^Back To Top
Vụ Đông Xuân (ĐX) 2015- 2016 và Xuân Hè (XH) năm 2016 Trại Thực nghiệm Khoa Nông nghiệp đã khảo nghiệm thành công 2 giống cà chua T04 và CT136 từ tập đoàn gồm 10 giống cà chua mới có triển vọng, được thu thập từ trung tâm phát triển rau Châu Á - AVRDC (Đài Loan), Trung tâm phát triển rau vùng Đông Nam Á (Thái Lan), Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm Hải Dương và Trung tâm giống CLC - Học viện Nông nghiệp; Dùng giống cà chua địa phương (Bi) làm đối chứng 1 (ĐC1) và giống VT5 đối chứng 2 (Đ/C2).
Hai giống T04 và CT136 quả có hình thái đẹp, màu sắc, mẫu mã quả đẹp hấp dẫn người tiêu dùng cũng như độ Brix trong quả cao. 2 tổ hợp lai cà chua có chất lượng sinh hoá tốt, giá trị dinh dưỡng cao, có tỷ lệ axit hữu cơ/đường tổng số thích hợp tạo hương vị thơm ngon, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cà chua là loại rau ăn quả cao cấp, có thể thu hoạch nhiều lần, cho năng suất cao (từ 30 - 55 tấn/ha) và mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Thực tế nhu cầu sử dụng cà chua rất lớn, vừa tiêu thụ tại chỗ, vừa phục vụ khách du lịch và xuất khẩu, song diện tích canh tác loại rau này còn ít, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có bộ giống thích hợp cho vùng. Nông dân thường trồng các giống địa phương, quả có giá trị thương phẩm thấp, kích thước, trọng lượng quá nhỏ, chưa phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Hà Tĩnh là một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, có diện tích đất cát ven biển khá lớn trên 30.000 ha, rất thích hợp trồng cà chua, hơn nữa cà chua là cây trồng ngắn ngày, phù hợp với cơ cấu cây trồng của địa phương, góp phần đa dạng hoá các loại rau ăn, tăng tỷ lệ rau ăn quả.Tuy nhiên do khí hậu nóng ẩm, thời tiết thay đổi thất thường, nên cà chua thường hay bị nhiều loại bệnh phát sinh và gây hại nặng như sương mai, héo rũ, thối trái, xoăn lá ...gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Đây là một khó khăn lớn nhất của người trồng cà chua ở Hà Tĩnh mà hiện nay tỉnh chưa có phương pháp nào phòng trừ có hiệu quả cao.
Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi đã tiến hành đề tài “Khảo nghiệm một số giống cà chua mới có triển vọng tại Hà Tĩnh”.
Ruộng thí nghiệm tại xã Cẩm Vịnh – Cẩm Xuyên – HT, vụ XH 2016
Nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, mức độ nhiễm sâu, bệnh, cho năng suất, và chất lượng quả của các giống cà chua. Từ đó tuyển chọn được 1-2 giống tốt nhất, có khả năng sinh trưởng, phát triển khoẻ, cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, thích ứng tốt với điều kiện sinh thái Hà Tĩnh.
Thí nghiệm được được bố trí trên đất phù sa cổ có thành phần cơ giới thịt nhẹ, trong vụ ĐX và vụ XH tại xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh và xã Thạch Bình - Thành phố Hà Tĩnh. Mỗi thí nghiệm được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB), nhắc lại 3 lần, diện tích mỗi ô là 7 m2, tổng diện tích mỗi thí nghiệm là 210 m2. Kết quả đã tuyển chọn được 2 giống cà chua T04 và CT136, có nhiều ưu điểm nổi trội: sinh trưởng khoẻ, nhiễm sâu bệnh thấp, có tính thích ứng, tính ổn định tốt, cho năng suất trung bình cao hơn giống ĐC1 từ 160 - 170 % ở vụ ĐX và từ 150- 160% ở vụ XH; cao hơn Đ/C2 từ 25- 30 % ở vụ ĐX và 15 - 25% ở vụ XH.
1. Giống T04 có thời gian sinh trưởng (TGST) 120-130 ngày, dạng hình sinh trưởng bán hữu hạn. Thân lá màu xanh nhạt, dạng lá cà chua thường, hơi vặn, dạng chùm quả trung gian, quả dạng tròn dài, thịt quả dày, quả chín có màu đỏ tươi, 70 - 80 gr/quả, đặc ruột, cùi dày, ít hạt, độ Brix đạt 5,3%. Thích hợp cho ăn tươi và SX nguyên liệu cho chế biến. Giống có khả năng chịu nhiệt tốt, mức độ nhiễm bệnh virus xoăn vàng lá, héo xanh vi khuẩn trên đồng ruộng thấp..
2. Giống cherry CT136 thuộc dạng hình sinh trưởng bán hữu hạn, thời gian sinh trưởng 120 - 130 ngày. Quả có dạng tròn dài, thịt quả chắc mịn, khi chín vỏ quả có màu đỏ tươi, 9-10 gr/quả. Hàm lượng chất khô trong quả đạt 6,2%, độ Brix đạt 5,4% cao hơn 2 giống đối chứng. Có độ nhiễm bệnh virus xoăn vàng lá, héo xanh vi khuẩn trên đồng ruộng thấp, thích hợp trồng trong vụ ĐX và XH và vụ Thu Đông tại Hà Tĩnh.
3. Hiệu quả kinh tế: Theo kết quả khảo nghiệm, cả 2 giống đều có ưu thế vượt trội so với 2 giống ĐC đang được trồng phổ biến tại địa phương. Năng suất giống T04 đạt 52 - 56 tấn/ha vụ ĐX và 48 - 52 tấn/ha vụ XH, vượt 15 - 25% so với giống VT5. Năng suất giống CT136 đạt 55 - 60 tấn/ha vụ ĐX và 50 - 55 tấn/ha vụ XH, vượt 20 - 30% so với giống VT5. Vụ Thu Đông 2016 chúng tôi đã trồng thí điểm 2 giống T04 và CT136 tại hộ anh Chiến, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên và hộ anh Hà, xã Thạch Bình – TP Hà Tĩnh trên diện tích mỗi hộ 300m2, cho năng suất bình quân 2,2 – 2,5 tấn/sào (500 m2), với giá 20.000 đ/kg, cho tổng thu 44 – 50 triệu đồng/sào, lợi nhuận từ 25- 30 triệu đồng/sào/vụ sản xuất, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
* Khuyến cáo trồng, chăm sóc:
Ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh với cây cà chua, để đạt được năng suất và chất lượng cao khi trồng T04 và CT136 cần chú ý thêm một số điểm: Cả 2 giống đều ra hoa nhiều, đặc biệt là giống CT136 tỷ lệ đậu quả cao, số quả/cây lớn nên cần có biện pháp tỉa, định lượng quả và bổ sung phân bón nuôi quả ở giai đoạn sau trồng 70 - 80 ngày sẽ cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, mã quả đẹp. Trồng với khoảng cách 70 x 45 cm (2 hàng trên mặt luống) để có mật độ thích hợp 2,8 - 3 vạn cây/ha.