^Back To Top
Thực hiện Công văn hướng dẫn tổ chức hội nghị viên chức năm học 2023-2024. Sáng ngày 18/10/2023, Khoa Nông nghiệp & Môi trường đã tổ chức Hội nghị viên chức, người lao động năm học 2023 - 2024.
Điều hành Hội nghị ThS. Lê Văn Quang – Phó trưởng Khoa; Cùng với sự tham gia của TS. Lâm Xuân Thái - Bí thư chi bộ, TS. Trần Viết Cường - Chủ tịch Công đoàn khoa và toàn thể viên chức, người lao động trong khoa.
Hội nghị diễn ra với tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, công khai, thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ viên chức. Thông qua Hội nghị, ThS. Lê Văn Quang – Phó trưởng Khoa trình bày Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị viên chức, người lao động năm học 2022-2023 và phương hướng công tác năm học 2023-2024. Trong Báo cáo đã chỉ ra những việc khoa hoàn thành tốt và những hạn chế còn tồn tại. Trên cơ sở đó thảo luận và thông qua, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu phấn đầu của năm học 2023 – 2024.
Trong hội nghị, đồng chí Trần Viết Cường- chủ tịch Công đoàn Khoa, Báo cáo kết quả các phong trào thi đua đã đạt được trong năm học 2022-2023, rút ra bài học kinh nghiệm, có giải pháp để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua năm học 2023 – 2024.
Tại hội nghị đã có rất nhiều ý kiến sôi nổi về các mặt công tác như: nghiên cứu khoa học, đào tạo; trại thực nghiệm; công tác sinh viên; công tác đoàn thể; công tác tuyển sinh…. Đặc biệt thảo luận, đóng góp ý kiến về Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường. Những ý kiến đóng góp thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng, gắn kết của viên chức, người lao động trong Khoa.
Kết thúc Hội nghị, toàn thể viên chức, người lao động của Khoa quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Hội nghị năm học 2023-2024.
Đầu năm học mới Ban chủ nhiệm khoa tiến hành họp nhằm đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2022-2023 và triển khai nghiên cứu khoa học năm học 2023-2024.
Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ của giảng viên, sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng giảng dạy cho sinh viên cũng như áp dụng thực tiễn vào hoạt động sản xuất. Vì vậy, khoa Nông nghiệp và Môi trường tiến hành họp thường niên đánh giá hoạt động nghiên cứu các cán bộ giảng viên trong khoa năm học trước rút ra bài học kinh nghiệp để năm học này có thêm nhiều sản phẩm nghiên cứu đáp ứng nhu cầu tình hình hiện tại của đào tạo cũng như thực tế hiện nay.
Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa năm học 2022-2023 khoa có 8 giảng viên tham gia đăng được 14 bài báo khoa học trên các tạp chí có chỉ số, trong đó có cô Nguyễn Nữ Mỹ Hà có 2 bài đăng tạp chí quốc tế, ngoài ra giảng viên còn tham gia có 5 bài hội thảo khoa học và hơn 20 hội đồng khoa học các cấp. Tuy nhiên, năm học 2022 – 2024 khoa có 1 đề tài cấp trường bảo vệ không thành công, số lượng đăng ký 2 đề tài chưa hoàn thành đúng tiến độ, không có đề tài cấp tỉnh, cấp bộ.
Kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2023 – 2024 khoa có 2 đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mạng cảm biến thông minh giám sát mực nước phục vụ tiêu thoát nước tại các cống thoát nước chính của Thành phố Hà Tĩnh. Do nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Đồng và TS. Trần Viết Cường thực hiện” và “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm vách hỗn hợp tế bào lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus và Saccharomyces cerevisiae trong chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ths. Trần Trung Uyên”. Bên cạnh đó, khoa có 3 đề tài cấp trường của các giảng viên TS. Lâm Xuân Thái, TS. Trần Viết Cường, TS. Nguyễn Nữ Mỹ Hà, ThS. Nguyễn Hữ Đồng. Ngoài ra, TS. Trần Viết Cường đăng ký viết giáo sách chuyên khảo “Than sinh học và vai trò cải tạo đất nông nghiệp”.
Năm học này, cán bộ giảng viên trong khoa có các bài báo đăng trên tạp chí khoa học (12 bài). Đặc biệt năm học này khoa chú trọng công tác hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học để các sinh viên có cơ hội tiếp cận với nghiên cứu khoa học nhằm phát triển tư duy và ứng dụng vào thực tiễn sau khi ra trường và đăng ký các khóa học nâng cao trong tương lai.
1. Giới thiệu khái quát
Khoa học Môi trường là một ngành khoa học độc lập, được xây dựng trên cơ sở tích hợp các kiến thức của các ngành khoa học như: Sinh học, hoá học, địa học,… đã có cho một đối tượng chung là môi trường sống bao quanh con người với phương pháp và nội dung nghiên cứu cụ thể, về các kỹ thuật và công nghệ giúp giải quyết các vấn đề môi trường như: ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải thông qua các biện pháp sinh - lý - hóa học; các giải pháp quản lý, góp phần bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển bền vững.
Ngành Khoa học môi trường, Khoa Nông nghiệp và Môi trường, ĐH Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tào từ năm 2012. Đến nay, qua gần 09 năm đào tạo ngành đã thu hút được hàng trăm sinh viên, trong đó có cả du học sinh Lào và Sinh viên Việt Nam. Với một tuổi đời còn non trẻ nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Nhà Trường, sự nổ lực của Ban chủ nhiệm khoa cùng các thầy cô trong khoa chât lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong việc thực hành.
2. Sinh viên ngành Khoa học Môi trường - HTU được học những gì?
Sinh viên theo học ngành Khoa học Môi trường được trang bị khối kiến thức nền tảng, chuyên sâu về: Quan trắc môi trường; hệ thống quản lý môi trường, kiểm soát tai biến và rủi ro môi trường; quản lý môi trường khu vực, sinh thái môi trường; chỉ thị sinh học môi trường; hóa học môi trường đất; quản lý và sử dụng chất thải nông nghiệp; quy hoạch sử dụng bền vững đất đai; hóa chất nông nghiệp; ứng dụng công cụ mô hình hóa và hệ thống tin địa lý; phương pháp đánh giá biến động ôzôn khí quyển; mô hình quá trình phóng xạ khí quyển, biến đổi khí hậu,....
Ngoài khối kiến thức chuyên môn, sinh viên được thường xuyên thực hành trong phòng thí nghiệm, tập làm quen với công việc thí nghiệm hóa đại cương, thí nghiệm hóa hữu cơ và hóa vô cơ, thí nghiệm hóa phân tích, thí nghiệm vi sinh, , thí nghiệm hóa lý, thí nghiệm hóa kỹ thuật môi trường, thí nghiệm xử lý chất thải, …
3. Học ngành Khoa học Môi trường - HTU ra trường làm gì? Làm ở đâu?
Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường tại Trường Đại học Hà Tĩnh có khả năng đảm nhận công việc với các vị trí như: Chuyên gia môi trường ở các cơ sở sản xuất, nhà máy xử lý chất thải, công ty cấp nước, nhà máy xử lý nước, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, công ty, tổ chức về môi trường; Bộ, Sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các trung tâm phân tích, quan trắc môi trường; cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường; tư vấn viên, giám sát viên của các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến môi trường; chuyên viên an toàn môi trường lao động và sức khỏe trong các công ty đa quốc gia, giảng viên giảng dạy tại các cơ sở đào tạo…
4. Học ngành Khoa học Môi trường - HTU bạn cần những tố chất và kỹ năng gì?
Để học tốt ngành Khoa học Môi trường - HTU bạn cần có những tố chất và kỹ năng sau: Cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo trách nhiệm cao; đam mê công nghệ, thích nghiên cứu; có tư duy sáng tạo, có khả năng phân tích; thích tìm tòi khám phá những quy luật của tự nhiên,...
5. Cơ hội/ưu thế khi học tập tại ngành Khoa học Môi trường - HTU
- Học phí và chi phí sinh hoạt thấp;
- Chương trình đào tạo 3 + 1: Học 3 năm tại Trường + 1 năm thực tập tại Israel/Nhật Bản/Đài Loan/Hàn Quốc/Thái Lan/…;
- Đào tạo theo tín chỉ nên thời gian học có thể rút ngắn xuống 3 năm;
- Có nhiều loại học bổng khuyến khích học tập;
- Trang thiết bị hỗ trợ học tập đầy đủ hiện đại;
- Liên kết đào tạo và hỗ trợ việc làm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tìm hiểu thêm thông tin về ngành Khoa học Môi trường - HTU tại https://www.facebook.com/khoanongnghiepvamoitruongdaihochatinh
1. Khái niệm tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Tư duy sản xuất nông nghiệp là lấy sản lượng làm mục tiêu, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nghĩa là chuyển đổi tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần (bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện ích).
Việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu đi vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, vào doanh nghiệp. Không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp, lấy tiêu chí sản lượng làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của của các hiệp hội, ngành hàng, bắt đầu tư duy làm sao để tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.
2. Tại sao cần phải đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp?
Thứ nhất: Tư duy thị trường đã bắt đầu được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm đến việc phải làm ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, từ chỗ chỉ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần. Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Thứ hai: Hiện nay sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, bền vững đã dần được hình thành một cách tự nhiên. Đó là cách thoát khỏi "lời nguyền" là nông dân thì tư duy mùa vụ, còn doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bây giờ không có khái niệm "mùa vụ" hay "thương vụ", không nghĩ ngắn hạn mà phải nghĩ dài hạn, không nghĩ cho một bên mà phải nghĩ cho cả hai bên, tức là cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Thứ ba: Nghị quyết số 19-NQ/TW khẳng định quan điểm: Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng nông dân phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.
Thứ tư: Trên thực tế, vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện ở chỗ họ trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chủ động và sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn; tích cực tham gia quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
3. Để đảm đương được vai trò này thì người nông dân cần được trang bị những gì?
Thứ nhất: Người nông dân ngày nay phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của người làm chủ - làm chủ vận mệnh của bản thân, của cộng đồng dân cư nông thôn. Nông dân và người dân nông thôn cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định.
Thứ hai: Nông dân mới trong thời kỳ hội nhập, kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư., cần phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì trông chờ ỷ lại, thu mình trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Để đạt được mục tiêu, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Thứ ba: Ngành nông nghiệp đang tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, người nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp, cũng phải được tiếp cận tư duy, kiến thức mới, công nghệ, kỹ năng mới. Trí thức hóa nông dân là yêu cầu bắt buộc.
Thứ tứ: Cùng với kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ do cha ông để lại, ngày nay người nông dân còn phải sử dụng các thiết bị thông minh, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
4. Xây dựng mối quan hệ giai cấp tại nông thôn
Xây dựng mối quan hệ giai cấp tại nông thôn theo hướng tạo nền tảng vững chắc cho củng cố hệ thống chính trị và hướng dẫn dắt người dân nâng cao năng lực làm chủ. Vừa chăm lo giảm nghèo bền vững, vừa đầu tư phát triển các nhân tố tiêu biểu, ưu trội có năng lực làm ăn kinh tế, có tinh thần cộng đồng, có tố chất dẫn dắt xã hội nông thôn, kể cả đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu làm bí thư cấp ủy cơ sở. Đó là đội ngũ những nhà nông thế hệ mới hoặc những hộ kinh doanh kinh tế nông thôn tiêu biểu.
Thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi vay vốn, tạo quỹ đất phát triển nông trại, ứng dụng khoa học-công nghệ kết hợp với phát huy giá trị tri thức địa phương, đồng thời thông qua đó tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở.
Ưu tiên đầu tư phát triển các trường đào tạo kỹ sư thực hành trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mà ở đó phải dành từ 30% đến 40% thời gian đào tạo cho xây dựng đề án và thực hành đề án để trở thành những nhà nông chuyên nghiệp. Đề án phải xác định được quỹ đất, cơ chế có được quỹ đất, mô hình tổ chức sản xuất, đầu vào, đầu ra sản phẩm, công nghệ
5. Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn là một trong những định hướng, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp “đơn giá trị” sang “đa giá trị”
Trong tư duy kinh tế nông nghiệp, ngoài việc tư duy về tối ưu hóa bài toán kinh tế thông qua tăng giá bán, giảm đầu vào, tăng chất lượng, đa dạng sản phẩm, chế biến sâu… nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng từ đó nhận lại được giá trị tăng cao hơn thì một bước phát triển cao hơn là tích hợp đa giá trị vào sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp. Một sản phẩm thông thường cả người sản xuất và người tiêu dùng hiện nay thường chú trọng vào giá trị sử dụng là yếu tố cốt lõi để tạo ra giá trị sản phẩm nhưng giá trị tăng cao này thường không quá cao. Trong khi đó, rất nhiều yếu tố tiềm năng để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thường đang không được chú trọng bao gồm các yếu tố: (1) Giá trị địa lý, địa danh, cảnh quan, vùng miền, quốc gia; (2) Giá trị tri thức, đặc biệt là tri thức bản địa và tính đổi mới sáng tạo của cộng đồng người sản xuất; (3) Giá trị lịch sử, văn hóa, ẩm thực bản địa; (4) Giá trị thương hiệu của sản phẩm, của vùng và cả quốc gia. Ngoài ra còn có các yếu tố đặc thù khác tùy thuộc vào sản phẩm và vùng sản xuất.
Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, người tiêu dùng sẽ không chỉ chi trả cho sản phẩm mà họ ăn, uống, mặc… mà còn chi trả cho các giá trị về nguồn gốc sản phẩm, bao bì, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm, các giá trị gắn liền với địa phương, địa danh, cộng đồng, tính sáng tạo, tâm linh, văn hóa và cả các chia sẻ, hỗ trợ giữa cộng đồng người tiêu dùng với cộng đồng nông dân. Tuy nhiên, chuyển từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị” là một quá trình dài hơi với xuất phát đầu tiên là thay đổi tư duy trong đánh giá và sử dụng các lợi thế so sánh trong sản xuất và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.
Một số yếu tố cơ bản đảm bảo cho “tích hợp đa giá trị” là: (1) Chất lượng sản phẩm phải ngang tầm quốc tế; (2) Người sản xuất và cộng đồng của họ phải tự hào về sản phẩm do chính họ làm ra; (3) các yếu tố có thể tạo ra giá trị cho sản phẩm phải được truyền tải đầy đủ và thu hút các câu chuyện sản phẩm; (4) người tiêu dùng sẵn sàng cho trả cao hơn cho các sản phẩm “đa giá trị” sâu với các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa và du lịch; (6) Hình thành các thương hiệu mạnh gắn với vùng, miền và thương hiệu quốc gia. Vì vậy, tích hợp “đa giá trị” là giải pháp để nông sản Việt Nam vượt qua bẫy sản phẩm “giá rẻ” và quan điểm về “nông nghiệp chất lượng thấp” trên thị trường.
6. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp
Nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Đồng thời, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc;
7. Thực hiện bằng được mục tiêu “chuẩn hóa”.
Chuẩn hóa từ giống, quy trình canh tác, nuôi trồng; chuẩn hóa quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hóa vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, mã cơ sở đóng gói; chuẩn hóa quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Chuẩn hóa quy trình thủ tục, tiến độ tiếp nhận, xử lý, giao trả hồ sơ đăng ký cấp phép, cấp giấy chứng nhận và các yêu cầu khác của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch.
Thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp thông qua việc tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Thiết kế chính sách phải phù hợp cơ chế thị trường, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, của xã hội và đối tượng thụ hưởng, đồng thời phục vụ mục tiêu hợp tác, liên kết và hình thành chuỗi ngành hàng. Triển khai chủ trương tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
8. Tập trung triển khai Chiến lược khoa học công nghệ
Huy động các viện, trường, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông có chương trình huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng làm nông mới, giá trị và kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Triển khai Chiến lược khoa học công nghệ, tập trung đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ... về với làng quê nông thôn. Đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Đó là những cơ sở nền tảng để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Sau 4 năm miệt mài học tập, nghiên cứu của các em sinh viên ngành thú y đầu tiên của khoa Nông nghiệp và Môi trường Trường Đại học Hà Tĩnh đã được nhận bằng tốt nghiệp, đánh dấu sự thành công bước đầu đào tạo ngành thú y của khoa.
Sáng ngày 3/7/2023 tại trường Đại học Hà Tĩnh, trường đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp Đại học hệ chính quy năm 2023 cho các ngành trong trường. Điểm đặc biệt của đợt trao bằng tốt nghiệp này là ngành học thú y, đây là khoá đầu tiên tốt nghiệp (K12).
Tổng số sinh viên khoá đầu là 12 em, sau 4 năm đào tạo các em đã tích luỹ đủ số tin chỉ cần thiết, đặc biệt là có 27 tín chỉ thực tập ở các doanh nghiệp để các em nâng cao tay nghề và đã được đánh giá cao thông qua kết quả. Tuy khoá học số lượng sinh viên không nhiều nhưng chất lượng đào tạo bước đầu đã được khẳng định bằng việc sau khi nhận bằng tốt nghiệp các em đã được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay, đây là một trong những tiêu chí cơ bản được cam kết trong chương trình đào tạo của ngành.
Tuyển sinh năm 2023 khoa Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tuyển sinh ngành thú y, Khoa học Môi trường, Khoa học Cây trồng với cam kết đạt chất lượng cạo, đảm bảo việc làm sau ra trường.