^Back To Top

Khoa Nông Nghiệp của Trường đại học Hà Tĩnh đang đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ngành Chăn nuôi thú y. Khóa học này thầy và trò của khoa đã và đang thi đua dạy tốt học tốt, cố gắng học tập và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp. Với phương châm đó mà Tổ chuyên môn của Khoa Nông nghiệp đặc biệt chú trọng đến chất lượng dạy và học, đã đổi mới phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực của học sinh; gồm hoạt động nhóm theo chủ đề, học tại trại chăn nuôi, học tại đại lý thuốc thú y, học tại đại lý thức ăn gia súc. Người học cũng tự giải quyết được những ca bệnh khó và phức tạp. Kế thừa từ Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Hà Tĩnh, hàng năm chúng tôi đã đào tạo một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có phẩm chất đạo đức trong sáng, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Vì vậy sau khi thu nhận kiến thức của gần hai năm tại giảng đường, việc đi về cơ sở thực tập của mỗi sinh viên là rất cần thiết, giúp các em hệ thống lại kiến thức đã học và áp dụng vào thực tiễn sản xuất để sau khi ra trường trở thành một cán bộ thú y có trình độ chuyên môn vững vàng.

Khóa học 2015 - 2017, Khoa Nông Nghiệp, Trường Đại học Hà Tĩnh có 24 sinh viên tham gia thực tập tốt nghiệp với 4 đoàn thực tập tại 10 điểm thực tập gồm: Trại chăn nuôi bò sữa Nga Lộc có 2 sinh viên, trại chăn nuôi lợn Tân Lộc – Can Lộc có 2 sinh viên, trại chăn nuôi lợn Cẩm Yên có 2 sinh viên, trại chăn nuôi lợn Cẩm Lạc có 3 sinh viên, trại chăn nuôi lợn Cẩm Sơn có 1 sinh viên, trại chăn nuôi lợn Mitraco Kỳ Phong có 1 sinh viên, xã Xuân Viên có 2 sinh viên, xã Thuần Thiện có 6 sinh viên, xã Thạch Xuân có 4 sinh viên, xã Thạch Tiến có 1 sinh viên.

Để chuẩn bị cho sinh viên của khoa đi thực tập tốt nghiệp, chúng tôi đã lên kế hoạch thực tập theo yêu cầu của phòng đào tạo, lên quy trình kiểm tra thực tập, quy trình duyệt báo cáo thực tập cho sinh viên theo mỗi giai đoạn. Chúng tôi thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y nhằm sát sao trong hướng dẫn sinh viên thực tập để đạt kết quả cao. Thông qua cán bộ thú y cơ sở, người trực tiếp hướng dẫn và rèn kỹ năng nghề nghiệp cho các em, chúng tôi biết được sinh viên của khoa đã tham gia thực tập với thái độ tích cực, các em hiểu rõ đợt thực tập là một kỳ học tập thực tế thiết thực nhất và các em đã thực hành được các kỹ năng nghề gồm: Thực hành điều trị bệnh thường xẩy ra ở trâu bò; bệnh sinh sản, bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng, bệnh khác. Thực hành phối giống cho trâu bò, quy trình chăn nuôi bò sữa ở giai đoạn kiểm định, giai đoạn chờ phối, giai đoạn mang thai, giai đoạn vắt sữa. Thực hành điều trị các bệnh ở bò sữa như bệnh bại liệt, bệnh viêm vú, bệnh viêm tử cung. Thực hành quy trình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái….

Sinh viên Thiều Đăng Toàn thao tác tiêm thuốc phòng bệnh cho lợn nái Cẩm Lạc – Cẩm Xuyên

 

Cán bộ kỹ thuật của mỗi trại đã hướng dẫn các em trong mỗi quy trình thực tập và các em đã nghiêm túc, tích cực trong việc tiếp thu kiến thức chuyên môn.

Kết quả sau 8 tuần thực tập, sinh viên đã thành thạo quy trình chẩn đoán bệnh cho gia súc, quy trình điều trị bệnh cho gia súc. Thành thạo quy trình chăn nuôi bò sữa, lợn nái, lợn thịt.Chính vì vậy, các nhóm sinh viên trong đợt thực tập này được đơn vị đánh giá cao và có nhiều khả năng được một số cơ sở thực tập tuyển dụng vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp./.

Sinh viên tiêu biểu

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.