^Back To Top

Vườn Quốc gia Vũ Quang rất phong phú và đa dạng các loài thực vật với 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ, trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt có loại Pư Mu có giá trị kinh tế cao, quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

 

Quần thể Pơ Mu (Fokienia hodginsii) tại rừng Quốc gia Vũ Quang

Vườn quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, trong đó có nhiều loài nguy cấp quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực, nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen kẽ giữa Vườn Quốc gia Pù Mát và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trái phép nguồn tài nguyên rừng ở đây diễn ra ngày càng phức tạp như lâm tặc lén vào vườn săn bắn và khai thác bừa bãi dẫn đến nhiều loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao hoặc quý hiếm, đặc hữu dần mất đi như: Pơ Mu (Fokienia hodginsii), Thông lá dẹt (Pinus krempffii), Du sam (Keteleeria evelyniana Master),   Gõ  đỏ  (Cà  te)  (Afzelia xylocarpa) ... và thay vào đó là các loài cây ít giá trị. Đây là mối nguy hại lớn nhất mà Vườn Quốc Vũ Quang đã và đang đối mặt với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài Pơ Mu nói riêng ở đây.Việc bảo tồn các loài thực vật quý hiếm và có nguy cơ bị đe doạ giữ một vị trí quan trọng đặc biệt không chỉ về mặt khoa học mà còn liên quan toàn diện, lâu dài đến sự tồn tại và phát triển của các khu bảo tồn, Vườn Quốc gia.

Một số giải pháp và chỉ tiêu kỹ thuật trong bảo tồn loài Pơ Mu trong phạm vi Vườn Quốc gia Vũ Quang như sau:

Thứ nhất: điều chỉnh cấu trúc N/D, N/H và mặt bằng của quần thể nơi có phân bố loài Pơ Mu. Cá thể Pơ Mu có cấu trúc N/D và N/H chưa ổn định, thiếu hụt lớp cây non và kế cận, đồng thời có phân bố cụm, do đó có nguy cơ quần thể Pơ Mu sẽ già cỗi và tuyệt chủng ở đây; vì vậy cần có sự điều tiết cấu trúc lâm phần thích hợp để thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của loài bảo tồn. Cụ thể là tỉa thưa, loại bỏ những cây kém giá trị, cong queo, sâu bệnh ở cấp kính D1.3 = 15cm, chiều cao H từ 10 – 18 m của lâm phần ở những nơi có Pơ Mu phân bố để tạo điều kiện thuận lợi về ánh sánh, dinh dưỡng … cho các thế hệ kế cận và cây tái sinh Pơ Mu phát triển tốt trong vùng sinh thái.

Thứ hai: Xúc tiến tái sinh tự nhiên và trồng dặm Pơ Mu vào vùng phân bố thích hợp. Tái sinh loài Pơ Mu là khó khăn ngay trong vùng sinh thái của nó, do yêu cầu sinh thái loài Pơ Mu tái sinh khá nghiêm ngặt như chỉ tái sinh hạt, tổ thành cây tái sinh thích hợp là Thông lá dẹt, Hoàng đàn giả, Long não, dẻ với độ cao từ 1600 đến 1800 m. Vì vậy, cần quy hoạch những vùng thích hợp để xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có thể trồng dặm theo các tiêu chí đã xác định như ưu hợp, độ cao. Ngoài ra, từ kết quả nghiên cứu mối quan hệ sinh thái loài cho thấy loài Pơ Mu có quan hệ sinh thái hỗ trợ với loài Long não, do đó lâm phần có phân bố Long não sẽ là chỉ thị để có thể xúc tiến tái sinh hoặc trồng dặm loài Pơ Mu .

Thứ ba: quy hoạch vùng phân bố Pơ Mu để bảo tồn Institu. Từ kết quả các hàm mô phỏng mối quan hệ sinh thái đối với mật độ phân bố và tái sinh Pơ Mu tại VQG Vũ Quang, đề tài đã chỉ ra được kiểu rừng, độ cao, ưu hợp là các nhân tố chủ đạo quyết định đến sự xuất hiện loài, đây là cơ sở để quy hoạch vùng bảo tồn tại chỗ (Insitu) cũng như xúc tiến tái sinh tự nhiên, nhân tạo ở nơi thích hợp.

Thứ tư: sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn loài. Trong công tác trồng rừng bảo tồn thì người dân vùng đệm tại Vườn Quốc gia Vũ Quang là 1thành phần tiên quyết cho sự thành công trong công tác bảo tồn của loài Pơ Mu bởi những lý do sau.

Thứ năm: đây chính là lực lượng chính trong công tác trồng rừng và bảo vệ chính rừng họ trồng nên( Loài Pơ Mu ) vì vậy hiệu quả thu được sẽ là rất cao

Thứ sáu: tạo được công ăn việc làm tại chỗ cho các hộ dân ven rừng, tăng thu nhập, làm giảm thiểu được sức ép của người dân lệ thuộc vào rừng từ đó làm tăng hiệu quả bảo tồn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.