^Back To Top
Tóm tắt
Kết quả điều tra cho thấy, thực trạng tình hình chăn nuôi bò tại các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ và mang tích chất tự phát, việc phối giống chủ yếu bằng hình thức cho giao phối tự nhiên, gây ra nhiều rủi ro trong việc lây truyền các bệnh, khó kiểm soát được chất lượng con giống; khoảng cách giữa các lứa đẻ kéo dài, các bệnh rối loạn sinh sản và hiện tượng chậm sinh xảy ra trên đàn bò sinh sàn vẫn còn rất phổ biến; việc chăm sóc nuôi dưỡng bê sau sinh và bò cái sau đẻ chưa phù hợp, thời gian bò cái nuôi con và bê bú sữa còn kéo dài, việc tập ăn cho bê sau sinh còn thực hiện muộn; đây là những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển đàn bò và là hạn chế để ngành chăn nuôi bò chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Một trong những giải pháp để tăng tỉ trọng thịt bò và phát triển kinh tế trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Lựa chọn tinh bò chất lượng cao phù hợp nhằm cải tạo tầm vóc đàn bò nền tại các địa phương; Ứng dụng công nghệ các Hormone sinh sản để gây động dục chủ động hàng loạt và xử lý các hiện tượng chậm sinh trên đàn bò; Thụ tinh nhân tạo chủ động trên đàn bò sinh sản; Chăm sóc nuôi dưỡng bê sau sinh và bò cái sau đẻ.
Từ khóa: Giải pháp chăn nuôi bò, nâng cao khả năng sinh sản, xử lý sinh sản.
Solutions to improve frequency and development female in ha tinh province
Abstract
According to the findings of this study, cattle are being mostly bred by farmers on their family farms in Ha Tinh province, and this trend usually occur spontaneously. Natural matting is the most common method of reproduction in cows, which can result in reproductive abnormalities and delayed birth, making it harder to manage the breeder's quality and increase the calving interval. Additionally, breeders’ care and nurture of calves and their mothers after calving is inappropriate, the time for cows to raise and suckle their calves lasts so long, and creep feeding for calves is still done late. Not only do the aforementioned factors have a direct impact on the fertility and development of the cow herds, but they also limit the growth of the cow breeding industry, which is not commensurate with the potential and advantages of the local area. Based on the findings, several solutions are being applied simultaneously with the aim of raising the proportion of beef and developing the economy in animal husbandry. These include: selecting high-quality cow semen in order to improve the herds of available cattle in this region; utilizing advanced reproductive hormone technology to induce mass estrus and handle the phenomenon of delayed birth giving in cows; breeding cows by actively and artificially inseminating them; and taking care for calves and their mothers during the postpartum period.
Keywords: Solutions for raising cows, improving fertility, handling reproduction.
1. Đặt vấn đề
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2040, cơ cấu tiêu thụ thịt tại Việt Nam đang rất mất cân bằng. tỷ lệ người Việt tiêu dùng thịt lợn và thịt gà chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó thịt bò lại đang chiếm tỉ lệ thấp. Do vậy, nhu cầu tiêu dùng thịt bò, nhất là thịt bò chất lượng cao, lượng thịt bò nhập khẩu ngày càng tăng mạnh. Vì vậy, định hướng tái cơ cấu của ngành chăn nuôi nước ta trong những năm tiếp theo là chú trọng phát triển chăn nuôi trâu bò nhằm tăng sản lượng thịt bò trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển ngành chăn nuôi, tập trung vào các đối tượng con vật nuôi chủ lực là trâu, bò, lợn. Tích cực chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh còn một số hạn chế như chăn nuôi trâu bò chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư còn chiếm tỷ trọng lớn; tỷ lệ trâu bò trong cơ cấu đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh còn thấp; chăn nuôi bò chưa được chú trọng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; sản lượng thịt trâu, bò xuất chuồng còn thấp; chất lượng và sức cạnh tranh của thịt bò chưa cao.Trong khi đó trâu, bò là đối tượng vật nuôi không cạnh tranh nguồn lương thực của con người. Trâu bò là đối tượng gia súc dễ nuôi, sử dụng thức ăn thô xanh là chính. Đây là nguồn thức ăn đa dạng, phong phú và dễ tìm, hơn nữa còn tận dụng được nguồn phụ phẩm của cây trồng để làm thức ăn như thân cây ngô, lạc, ngọn lá mía…; Ngoài ra, trâu bò là đối tượng vật nuôi không có các bệnh truyền nhiễm lây lan sang người. Do đó, ngành chăn nuôi trâu bò có thể đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm và không làm lây lan các dịch bệnh nguy hiểm cho con người.
Để nâng cao khả năng sinh sản và cải thiện tầm vóc đàn bò cần đẩy mạnh phát triển bò lai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng bò cái nền 50% máu ngoại để làm cái nền sinh sản nhằm nâng cao thể vóc và chất lượng thịt. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò, đạt được mục tiêu đã đề ra cần áp dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, cụ thể trên đàn bò như: Thực hiện phối giống chủ động thời gian với tinh giống chất lượng, giúp nâng cao hiệu quả thụ tinh nhân tạo, cải thiện chất lượng đàn gia súc; Phương án cải tạo đàn gia súc kết hợp cải thiện khả năng sinh sản và dinh dưỡng, quản lý đàn gia súc đẩy nhanh tốc độ tăng đàn; Ứng dụng các tiến bộ khoa học song song với thực hiện công tác đào tạo chuyển giao, góp phần vào nâng cao năng lực cho người chăn nuôi và đội ngũ thú y cơ cở. Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá một cách tổng thể thực trạng chăn nuôi trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh từ đó đề ra một số giải pháp để nâng cao khả năng sinh sản, cải thiện tầm vóc đàn bò, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi trâu bò.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập thông tin:
- Thông tin thứ cấp: Thông tin, tài liệu từ các báo cáo đánh giá của các cơ quan ngành nông nghiệp, các công bố của một số tác giả về vấn đề nâng cao khả năng sinh sản và phát triển đàn bò trong và ngoài nước. Từ đó, tiến hành thống kê, phân tích, đánh giá và để xuất các giải pháp
- Thông tin sơ cấp: Từ điều tra khảo sát thực tế tình hình chăn nuôi trâu bò tại tỉnh Hà Tĩnh. Sử dụng phương pháp điều tra tra hồi cứu các hộ chăn nuôi bằng bảng hỏi để xác định và đánh giá thực trạng tình chăn nuôi bò tại 4 huyện: huyện Nghi Xuân, huyện Can Lộc, huyện Kỳ Anh và huyện Đức Thọ; với tổng số lượng mẫu 80, với mỗi huyện lấy 20 mẫu.
Kết quả nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở khảo sát thực trạng tình hình chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bằng bộ câu hỏi và phân tích kết quả khảo sát, thu thập thông tin về kinh tế xã hội, chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Các báo cáo tổng kết cáo tổng kết của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh hàng năm và các công trình nghiên cứu của một số tác giả về vấn đề nâng cao khả năng sinh sản và phát triển đàn bò trong và ngoài nước. Từ đó, tiến hành thông kê, phân tích, đánh giá và để xuất các giải pháp.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng tình hình chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2020, đàn bò cả nước hiện có 5.802.907 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 334.472 tấn. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh có 192.086 con chiếm 3,31% so với cả nước, thịt hơi bò xuất chuồng 10.650 tấn, chiếm 3,18% so với cả nước.
Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển ngành chăn nuôi, tập trung vào các đối tượng con vật nuôi chủ lực là trâu, bò, lợn; tích cực chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính; nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất như bò lai Sind, bò 3B (Blanc – Blue – Belgium), bò Zebu, bò Brahman,... góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành chăn nuôi, nâng cao thu nhập và đời sống người chăn nuôi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh còn một số hạn chế như chăn nuôi trâu bò chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư còn chiếm tỷ trọng lớn (trên 80% tổng đàn); cơ cấu đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh còn bất hợp lý; chăn nuôi trâu bò chưa được chú trọng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Sản lượng thịt trâu, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng mới bằng 11,70% tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm toàn tỉnh; chất lượng và sức cạnh tranh của thịt trâu bò chưa cao. Mặt khác, đối tượng vật nuôi chủ lực hiện nay của tỉnh là chăn nuôi lợn và gia cầm, dẫn đến mất cân đối về nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong tỉnh và cả nước (Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 70.896 tấn, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 20.100 tấn, sản lượng hơi gia súc khác 16 tấn, (Báo cáo Đánh giá tổng kết ngành NN&PTNT – Chi cục Chăn nuôi thú y Hà Tĩnh năm 2020).
Chăn nuôi bò ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay thực hiện chủ yếu là vỗ béo bò để giết thịt, hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò sinh sản còn chưa được quan tâm. Bò sinh sản thường được nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, bê sau sinh theo mẹ đến chu kỳ sinh sản tiếp theo, thời gian cai sữa cho bê kéo dài trung bình 12 tháng. Việc cai sữa và tập ăn muộn cho bê đã làm ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi: đàn bê sau cai sữa sinh trưởng chậm, thời gian động dục trở lại của bò mẹ muôn nên, khoảng cách lứa đẻ dài.
3.2. Giải pháp nâng cao khả năng sinh sản và phát triển đàn bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Từ thực trạng chăn nuôi bò của tỉnh Hà Tĩnh, thấy rằng: cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đàn trâu bò của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo thu nhập cho người dân. Một trong các giải pháp đó là:
3.2.1. Lựa chọn tinh bò chất lượng cao, phù hợp nhằm cải tạo tầm vóc đàn bò địa phương
Nghiên cứu lựa chọn tinh bò của các giống có năng suất chất lượng cao, phù hợp để cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò nền tại các địa phương như tinh của các giống bò Sind, Zebu, 3B hay Brahman.
Chương trình Sind hóa đàn bò là chương trình lai cấp tiến giữa bò đực Sind đỏ với bò cái vàng. Kết quả của chương trình này đã nâng cao tầm vóc của bò. Lúc trưởng thành, bò đực lai Sind có khối lượng 320 -440 kg/con và con cái là 250 -300 kg/con. Bò lai Sind là nguồn vật liệu ban đầu cho công tác lai tạo bò hướng sữa hoặc hướng thịt của nước ta.
Tại Việt Nam, thực tế quá trình nuôi bò 3B đã cho thấy giống bò này có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng thịt và hiệu quả kinh tế cao. Thời gian nuôi bò 3B từ 12 – 15 tháng là có thể xuất bán. Trọng lượng mỗi con bò 3B thời điểm xuất bán giao động từ 500 – 600kg/con.
3.2.2. Ứng dụng công nghệ các Hormone để xử lý sinh sản trên đàn bò
Hiện nay, trên thế giới thực hiện khá phổ biến ứng dụng công nghệ các hormone Prostaglandin (PGF2α) và hormone Gonadotropin Releasing Hormone (GnRH) để xử lý sinh sản như gây động dục chủ động và xử lý sinh sản các hiên tượng chậm sinh trên đàn bò, cụ thể như các trường hợp như: gây động dục đồng loạt, u nang buồng trứng, buồng trứng kém phát triển, biểu hiện động dục yếu, thể vàng tồn lưu, phối giống nhiều lần không đậu thai, viêm nội mạc tử cung.
Hiện nay ở trên thế giới và Việt Nam đang ứng dụng các phương pháp để xử lý sinh sản (XLSS) trên đàn bò như sau:
Phương pháp 1. Gây động dục hàng loạt và phối giống chủ động
Theo kết quả nghiên cứu của Ted G. Dyer và Cs (2017), ngày đầu tiên tiêm GnRH giúp phát triển nang trứng mới. Từ ngày thứ 3 - 9 sau đó tiến hành quan sát bò, nếu có biểu hiện động dục thì tiến hành phối giống và dừng phác đồ. Nếu bò chưa đông dục tiêm PGF2α vào ngày thứ 7 để gây ra sự thoái hóa của thể vàng và tiêm GnRH lần thứ hai vào ngày thứ 9 để đồng bộ hóa thời gian rụng trứng của nang trứng thông qua kích thích buồng trứng tăng tiết LH. Đến ngày thứ 10 tiến hành phối giống cố định cho bò sau 24h tiêm GnRH lần 2 mà không cần quan sát động dục. Ưu điểm của phương này là kiểm soát động dục và chất lượng trứng tốt.
Phương pháp 2. XLSS bò phối nhiều lần không chửa, biểu hiện động dục yếu
Cũng theo Ted G. Dyer và Cs (2017), ngoài GnRH và PGF2α như ở phương pháp 1 sử dụng thêm vòng tẩm progesterone đặt âm đạo (CIRD) trong thời gian 7 ngày từ sau khi tiêm GnRH lần 1 và dùng thêm 1 liều PGF2α bổ sung khi rút vòng (CIRD để phá thể vàng nếu có). Sau đó tiến hành theo dõi động dục để phối giống. Đến ngày thứ 9 nếu bò không có biểu hiện động dục thì tiến hành tiêm GnRH lần thứ 2 và phối giống cố định vào ngày thứ 10 mà không cần theo dõi động dục.
Phương pháp 3. XLSS bò thể vàng tồn lưu đối với bò tơ và bò lứa ≥ 1
Đối với bò sau khi xác định có thể vàng tồn lưu tiêm PGF2α ở ngày thứ nhất sau đó theo dõi động dục từ ngày thứ 2, nếu bò động dục thì cho phối giống. Nếu bò không động dục, ngày thứ 11 hoặc ngày thứ 14 tiêm PGF2α liều 2 và theo dõi động dục ở ngày 13 hoặc ngày thứ 16, nếu bò động dục thì cho phối bình thường, thời điểm phối giống sau 48 giờ, sau đó tiến hành khám thai ở ngày thứ 45. Phương pháp tiêm hai mũi PGF2α là tạo được chu kì mới, thời gian từ lúc tiêm PGF2α tới lúc có biểu hiện động dục dao động lớn (Nguyễn Thị Thúy và Cs, 2015).
Phương pháp 4. XLSS bò u nang buồng trứng, buồng trứng kém phát triển, buồng trứng không hoạt động
Bò u nang buồng trứng, buồng trứng kém phát triển, buồng trứng không hoạt động, ngày 0 tiêm GnRH, ngày 7 tiêm PGF2α, ngày 10 và ngày 17 tiêm GnRH, sau đó sử dụng thêm vòng tẩm progesterone đặt âm đạo, ngày 24 tiêm PGF2α và quan sát động dục và phối giống. Sau đó 56 tiếng (tức ngày 27) nếu bò không động dục tiêm GnRH và phối cố định sau đó 16 - 20 tiếng (Nguyễn Thị Thúy và Cs, 2015).
Phương pháp 5. XLSS vời bò bị viêm nội mạc tử cung
Bò bị viêm nội mạc tử cung, ngày 0 tiêm GnRH, ngày 14 tiêm PGF2α, ngày 28 tiêm GnRH và sử dụng thêm vòng tẩm progesterone đặt âm đạo, sau đó ngày 35 tiêm PGF2α và quan sát động dục và phối giống. Nếu bò không động dục tiêm GnRH và phối cố định sau đó 16 - 20 tiếng (Nguyễn Thị Thúy và Cs, 2015).
3.2.3. Thụ tinh nhân tạo chủ động trên đàn bò
Việc phối giống đàn bò sinh sản trong các hộ chăn nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay chủ yếu vẫn mang tính tự phát, phối giống chủ yếu bằng hình thức cho giao phối tự nhiên, gây ra nhiều rủi ro trong lây truyền các bệnh và khó kiểm soát được chất lượng con giống.
Vì vậy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thụ tinh nhân tạo cho bò cái sinh sản nhằm cải tạo tầm vóc đàn bò, nâng cao trọng lượng, tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường giao phối tự nhiên. Sau khi phối giống, để đánh giá khả năng mang thai, thì việc tiên hành khám thai bằng phương pháp khám qua trực tràng cho bò 45 - 60 ngày kể từ khi thụ tinh nhân tạo. Từ kết quả khám thai và theo dõi khả năng sinh trưởng của bò mẹ, là cơ sở cho việc thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo sự phát triển của bào thai và cơ thể bò mẹ.
3.2.4. Chăm sóc, nuôi dưỡng bê sau sinh và bò cái sau đẻ
a. Chăm sóc, nuôi dưỡng bê sau sinh
Chăn nuôi bê sau sinh theo mẹ của người dân tại các địa phương vẫn mang tính tự nhiên, bê sau sinh theo mẹ đến chu kỳ sinh sản tiếp theo,việc cai sữa và tập ăn muộn cho bê đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn bò qua đó làm giảm hiệu quả chăn nuôi trâu bò của người chăn nuôi.
Để khắc phục thực trạng đó, qua kết quả điều tra và đánh giá quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng cho bê sau sinh như: cho bê bú sữa đầu trong vòng 1 giờ sau sinh; bê lai sơ sinh có trong lượng trung bình từ 27 – 32kg; tập ăn sớm cho bê vào ngày 10 – 15 sau sinh; cai sữa sớm cho bê vào tháng 4 – 5 sau sinh; bò lai lớn nhanh, bình quân mỗi ngày (cả chu kỳ) tăng trọng 1kg; tiêu tốn thức ăn tinh cho bê 1,5kg/con/ngày và thức ăn thô xanh sử dụng nguồn sắn có tại địa phương (Nguyễn Xuân Trạch và Cs, 2021). Do khu hệ vi sinh vật dạ cỏ phát triển chưa hoàn chỉnh, khả năng tận dụng thức ăn thô xanh của bê còn hạn chế, càng về sau bê càng bị khủng hoảng dinh dưỡng. Do vậy, khi nuôi bê sau sinh nên tiến hành phân thời gian nuôi bê theo từng giai đoạn phát triển để bổ sung thức ăn đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của stress và tạo điều kiện cho bê phát triển tốt.
b. Chăm sóc và nuôi dưỡng bò cái sau đẻ
Chăm sóc và nuôi dưỡng cho bò cái sau sinh không đảm bảo kỹ thuật là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa, khả năng phục hồi cơ quan sinh sản, khả năng động dục lại, dẫn tới các bệnh chậm sinh và mất khả năng sinh sản.
Tiêu chuẩn thức ăn cho bò cái sau sinh giai đoạn này thức ăn tinh 1 – 1,5 kg/con/ngày, muối ăn 25 – 30g/con/ngày, bột xương 30 – 40g/con/ngày và phải có đủ cỏ non xanh ăn tại chuồng, tiêu tốn thức ăn thô xanh trung bình 35 - 40 kg/con/ngày (Nguyễn Xuân Trạch và Cs, 2021).
4. Kết luận
Chăn nuôi trâu bò ở tỉnh Hà Tĩnh đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên trâu bò vẫn được chăn nuôi chủ yếu theo phương thức chăn thả tự nhiên, thời gian động dục trở lại của mẹ muộn nên khoảng cách lứa đẻ dài, các bệnh sinh sản ở bò cái còn xảy ra phổ biến; bê sau sinh thường theo mẹ đến chu kỳ sinh sản tiếp theo, thời gian cai sữa cho bê kéo dài trung bình 12 tháng, bê cai sữa và tập ăn muộn, đàn bê sau sinh trưởng chậm.
Để nâng cao khả năng sinh sản cũng như hiệu quả phòng, trị một số bệnh sinh sản thường gặp ở bò cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Lựa chọn một số giống bò có năng suất, chất lượng cao để cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò nền tại các địa phương trong tỉnh; sử dụng công nghệ Hormon sinh sản để xử lý một số bệnh sinh sản đồng thời chú trọng đến việc chăm sóc bê sau sinh cũng như bò mẹ sau khi đẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hà Tĩnh (2020), Báo cáo Đánh giá tổng kết ngành Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn 2020.
Nguyễn Thị Thúy và Sử Thanh Long (2015), Sử dụng hormone trong điều trị bệnh sinh sản ở bò sữa nuôi tại huyện Ba Vì - Hà Nội, Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y, tập 22, số 3, trang 66-74.
Nguyễn Xuân Trạch, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thị Dương Huyền, Nguyễn Ngọc Bàng (2021), Giáo trình Chăn nuôi bò, Nhà xuất bản Học viện Nông nghiệp.
Ted G. Dyer and William M. Graves Extension Animal Scientist (2017). Estrous Synchronization Procedures for Beef Cattle. Published by the University of Georgia in cooperation with Fort Valley State University, the U.S, UGA Extension, Bulletin 1232, Reviewed April 2017.
Tổng cục Thống kê (2020), Dữ liệu và số liệu phát triển chăn nuôi 2020, Nhà xuất bản Thống kê.
Trần Văn Vũ và Sử Thanh Long (2017), Ảnh hưởng của lứa đẻ, tuổi và điểm thể trạng tới hiệu quả gây dộng dục bằng phương pháp Ovsynch+CIDR trên đàn bò sữa nuôi tại Phù Đổng - Hà Nội, Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi, tập 219, trang 59-64.