^Back To Top

Trần Viết Cường[1], Phạm Quang Hà[2], Trần Thị Tuyến[3]

“Hội thảo nông nghiệp và tài nguyên trong xu thế chuyển đổi số - Chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Nông lâm ngư – các ngành Nông lâm ngư – Trường đại học Vinh, tổ chức ngày 17/11/2022”.

TÓM TẮT

Bài viết này tìm hiểu về chuyển đổi số và chuyển đổi số trong nông nghiệp, đồng thời đánh giá về hiện trạng phát triển nguồn nhân lực và của quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Kết quả cho thấy, hiện trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp của Việt Nam còn rời rạc, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số ít doanh nghiệp, địa phương, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số. Nguồn nhân lực chất lượng cao cần cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn đang thiếu hụt về số lượng. Phần lớn lao động trong ngành nông nghiệp không có trình độ cao dẫn đến khó tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp. Bài viết đã đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Từ khóa: Chuyển đổi số, nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chuyển đổi số (CĐS) đề cập đến sự đột phá chưa từng có trong xã hội, ngành công nghiệp và các tổ chức được kích thích bởi những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT) [3]. Đại dịch COVID-19 hiện nay cũng đã mang lại động lực và xung lực mạnh mẽ cho quá trình CĐS trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khắc phục những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa con người kết nối gần nhau hơn và làm xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, việc làm, an sinh mới trong thế kỷ XXI [1].

Cho đến nay, quan niệm về CĐS trong nông nghiệp cũng chưa nhất quán, song có thể hiểu: CĐS trong nông nghiệp là quá trình tích hợp và ứng dụng công nghệ số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Hay nói cách khác, CĐS trong nông nghiệp là quá trình áp dụng các công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Công nghệ số có khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu và thông tin điện tử, từ đó cho phép luồng thông tin di chuyển thông suốt và minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Khả năng tiếp cận thông tin chính xác và theo thời gian thực giúp người nông dân và các bên liên quan đưa ra quyết định kịp thời nhằm nâng cao lợi nhuận và tăng cường tính bền vững của chuỗi sản phẩm [11].

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp và một số địa phương đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), một số đơn vị đã sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp [7]. Nhưng thực tế đó vẫn là kết quả thực hành còn rời rạc, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số ít doanh nghiệp, địa phương và dường như vẫn làm theo tư duy cũ, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của CĐS [6].

Các yếu tố then chốt của chuyển đổi số bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng số, dữ liệu mở của chính phủ, môi trường kỹ thuật số an toàn, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo,… Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ dẫn đến sự phá hủy mô hình cũ và sáng tạo ra những mô hình mới. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong các yếu tố then chốt của CĐS nông nghiệp hiện đang còn thiếu hụt về số lượng. Phần lớn lao động trong ngành nông nghiệp không có trình độ cao dẫn đến khó tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp [11].

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thị trường lao động, việc làm của Việt Nam là lĩnh vực được dự báo sẽ chịu nhiều tác động nhất khi các chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ ngày càng gia tăng. Để thích ứng với kỷ nguyên số, người lao động cần phải trang bị các kỹ năng công nghệ thông tin và ứng dụng vào công việc. Hiện nay, hầu hết các công việc đều cần đến máy tính và sử dụng phần mềm phục vụ cho công việc [4].

Nhân lực công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong CĐS. Có hai vấn đề chính cần xét đến đối với yếu tố này, đó là: chất lượng giáo dục và khả năng thu hút sinh viên theo học chuyên ngành kỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng. Theo các chuyên gia dự báo, trong tương lai số nhân lực CNTT được cho sẽ thiếu hụt lớn. Các quốc gia trên thế giới hiện nay cũng đang cải tiến chương trình giáo dục, đưa vào các nội dung giảng dạy những công nghệ kỹ thuật số mới và đưa ra các chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT trên khắp thế giới đến làm việc [4].

Bài viết này tìm hiểu về CĐS và CĐS trong nông nghiệp, đồng thời đánh giá về hiện trạng phát triển nguồn nhân lực và của quá trình CĐS trong nông nghiệp, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ CĐS ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng phương pháp tổng quan các công trình khoa học về chuyển đổi số đã công bố; Thu thập thông tin các thể chế, chính sách như Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP về chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 và số liệu từ Niên giám thống kê về dân số và lao động giai đoạn 2012-2021 của Tổng cục Thống kê. Tiến hành phân tích số liệu, đánh giá hiện trạng phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn liên quan đến chuyển đổi số, trong đó đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1 Nội dung chuyển đổi số nông nghiệp của Việt Nam

Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nội dung ưu tiên của CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm:

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế;

- Thực hiện CĐS trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẽ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số;

- Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp;

- Thực hiện CĐS mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch [9].

3.2. Nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

3.2.1. Hiện trạng nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn

Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), một số đơn vị đã sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy suất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn. Trong lâm nghiệp ứng dụng công nghệ DND mã mạch để quản lý giống và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Trong thủy sản ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ [7].

Các điểm sáng ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, nông thôn nêu trên gây ấn tượng tốt. Nhưng thực tế đó vẫn là kết quả thực hành còn rời rạc, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số ít doanh nghiệp, địa phương và dường như vẫn làm theo tư duy cũ, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của CĐS. Một cách khái quát, các bước đi ban đầu đó chưa dựa trên 4 nền tảng chính của CĐS là nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực [6].

Nguồn nhân lực chất lượng cao cần cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn đang thiếu hụt về số lượng. Năm 2020, lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật của ngành Nông - Lâm - Thủy sản chỉ chiếm 4,62%, trong khi lao động ngành nông nghiệp chiếm tới 33,06%. Nguồn nhân lực khối ngành nông nghiệp thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, lao động ngành nông nghiệp hiện thiếu kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, thiếu tác phong công nghiệp. Trong khi quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cơ sở đào tạo giảm mạnh [8]. Phần lớn lao động trong ngành nông nghiệp không có trình độ cao dẫn đến khó tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp. Bên cạnh đó việc đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này còn nặng về lý thuyết, không có điều kiện thực hành, gây ra những khó khăn trong việc hiểu biết về ứng dụng công nghệ thông tin, biến đổi khí hậu, chuỗi giá trị liên kết sản xuất [7].

Biểu đồ 1. Tỉ lệ lao động đang làm việc và tỉ lệ lao động qua đào tạo trong lĩnh vực

Nông - Lâm - Thủy sản

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2022 [10].

3.2.2 Yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường... Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" [5].

Kế hoạch “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022 - 2025” đối với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực gồm:

- Nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, quán trị sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin;

- Chủ động nghiên cứu, hợp tác, phát triển nguồn nhân lực hiện có để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ;

- Tăng cường đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại Bộ thông qua các hình thức đào tạo nội bộ, đào tạo qua việc cụ thể;

- Có chính sách ưu đãi các cán bộ, công chức thưc hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin và an toàn thông tin tại các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT [2].

3.3 Giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Trên cơ sở hiện trạng các thể chế, chính sách chuyển đổi số trong nông nghiệp và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn, tiến hành đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cần thực hiện nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng người lao động, cán bộ quản lý trong ngành nông nghiệp để nắm được tầm quan trọng của CĐS.

Hai là: Bộ NN&PTNT có vai trò, trách nhiệm đi trước và dẫn dắt CĐS trong ngành nông nghiệp. Bộ cần có sự phối hợp hợp tác điều phối giữa các bộ, ngành liên quan, trong việc:

Xây dựng các khung chương trình, khối kiến thức về công nghệ thông tin liên quan đến CĐS và kỹ năng số phù hợp với từng đối tượng người lao động trong ngành nông nghiệp;

Lên kế hoạch và phát triển đào tạo kỹ năng số cho người dân làm nông nghiệp. Để công tác đào tạo kiến thức số cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách CĐS trong sản xuất nông nghiệp;

Kết hợp với các sàn thương mại điện tử và các trường đại học để tổ chức các chương trình đào tạo CĐS nông nghiệp cho nông dân, bên cạnh các khóa học sử dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, cần có các khóa học đào tạo nông dân sử dụng sàn thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Ba là, cần triển khai phong phú các loại hình đào tạo nhân lực cho ngành Nông nghiệp, ở nông nghiệp, loại hình đào tạo rất phong phú, có những đào tạo chính quy nhưng cũng có những đào tạo trực tiếp trên đồng ruộng, đào tạo tại cơ sở làm việc,...

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề ở địa phương như đào tạo nghề kèm cặp tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh theo phương thức truyền nghề thông qua các nghệ nhân và người có tay nghề cao.

Huy động các tổ chức xã hội, Hội phụ nữ, Hội nông dân, các hợp tác xã đóng vai trò kết nối để những người nông dân có nhu cầu giống nhau có thể kết nối và giúp đỡ nhau trong quá trình áp dụng công nghệ.

Bốn là, tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện giáo dục kỹ năng CĐS trong các khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động; chủ động hoàn thiện nội dung giáo trình, bài giảng, đảm bảo chất lượng dạy và học phù hợp với nền kinh tế số. Nội dung chương trình học cần có sự bắt nhịp với những thay đổi trong thực tiễn.

Năm là, tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị đào tạo để phù hợp với tiến bộ khoa học, công nghệ hiện nay. Tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả nhằm đạt chất lượng, hiệu quả,... Để thay đổi được nhận thức, trước hết, cần giúp người lao động hiểu được giá trị của CĐS, nông nghiệp công nghệ cao sẽ hỗ trợ như thế nào trong hiệu quả công việc và kết quả mang lại thông qua năng suất.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo CĐS trong nông nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn ở khu vực để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất thay đổi các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình áp dụng các công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện trạng CĐS trong nông nghiệp của Việt Nam còn rời rạc, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số ít doanh nghiệp, địa phương, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của CĐS. Nguồn nhân lực chất lượng cao cần cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn đang thiếu hụt về số lượng. Phần lớn lao động trong ngành nông nghiệp không có trình độ cao dẫn đến khó tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp. Vì vậy, cần áp dụng một số giải pháp nêu trên để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mỹ Anh (2021). Đại dịch COVID-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam. Truy cập ngày 19/7/2022, tại https://dangcongsan.vn/.
  2. Bộ NN&PTNT (2022). Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022 – 2025. Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP, ngày 15/6/2022.
  3. Feroz A. K., Zo H., Chiravuri A. (2021). Digital Transformation and Environmental Sustainability: A Review and Research Agenda. Sustainability 2021, 13, 1530. https://doi.org/10.3390/su13031530.
  4. Hoàng Hữu Hạnh, Lê Anh Hoàng (2020). Chuyển đổi số tại Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị mô hình chuyển đổi số cho lĩnh vực nông nghiệp. Hội thảo về chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025” tổ chức ngày 23 tháng 9 năm 2020.
  5. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022). Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022.
  6. Bạch Quốc Khang (2021). Chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam. Truy cập ngày 20/7/2022, tại: https://vjst.vn.
  7. Nguyễn Thị Miền (2018). Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Những rào cản và giải pháp khắc phục. Truy cập ngày 12/9/2022. Tại http://www.lyluanchinhtri.vn.
  8. Thanh Phong (2022). Ngành nông nghiệp: thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Truy cập ngày 28/9/2022. Tại https://vaas.vn.
  9. Thủ tướng Chính phủ (2020). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020.
  10. Tổng cục Thống kê (2022). Niên giám thống kê Dân số và Lao động giai đoạn 2012-2021.
  11. Võ Tất Thắng, Vũ Ngọc Tân, Trương Hoàng Dũng, Nguyễn Thị Bích Hiền, Nguyễn Hoàng Lan (2021). Chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam. Truy cập ngày 11/9/2022. Tại http://digital.lib.ueh.edu.vn.

    DIGITAL TRANSFORMATION AND HUMAN RESOURCES DEMAND IN AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT

    Tran Viet Cuong1, Pham Quang Ha2, Tran Thi Tuyen3

    1Ha Tinh University

    2Vietnam Soil Science Society

    3Vinh University

    Summary

    This article explores digital transformation and digital transformation in agricultural, and assesses the current state of human resource development and the digital transformation process in agriculture. The results showed that the current status of digital transformation in agriculture in Vietnam is still fragmented, mainly on the initiative of a few businesses and localities, without a digital connection chain, without a new approach. and comprehensively required by digital transformation. The high-quality human resources needed for the development of high-tech agriculture are still lacking in quantity. The majority of workers in the agricultural sector do not have high qualifications, making it difficult to access and master advanced agricultural technology. The article has proposed a number of solutions to develop human resources to meet the requirements of digital transformation of agriculture and rural development.

    Keywords: Agriculture and rural development, digital transformation, human resources.

 

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.