^Back To Top

Gạo Thảo Cẩm có thành phần dinh dưỡng cao, so với các loại gạo khác, có hàm lượng protein cao hơn 6,8% và chất béo cao hơn 20%; không chỉ thế, nó còn chứa tới 8 loại axit amin cùng carotene và các nguyên tố vi lượng cần thiết [Trung tâm Công nghệ và Khuyến nông - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (2021)]. Hiện nay, nhu cầu về dinh dưỡng lúa đen, trong đó có lúa Thảo Cẩm có vai trò rất lớn trên thế giới và trong nước. Nhiều nước trồng lúa trên thế giới đặc biệt là các nước châu Á, thường xảy ra bệnh thiếu sắt trong máu (IDA - Iron deficiency anaemia), bệnh thiếu vitamin A gây chứng mù mắt ở trẻ em; các bệnh tim mạch, các cơn đau tim đột quỵ. Các chất phytochemical trong gạo Thảo Cẩm cân bằng lượng cholesterol trong cơ thể.

Để đáp ứng nhu cầu giống ngày càng tăng, đồng thời thay đổi cơ cấu giống lúa, lựa chọn giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời tăng năng suất lúa trên một đơn vị diện tích, tăng hiệu quả kinh tế sản xuất thì cần thiết tiến hành đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất một số giống lúa mới có tiềm năng suất cao để góp phần thay thế một số giống lúa cũ năng suất thấp hiện đang trồng phổ biến ở địa phương. Với những lý do nêu trên chúng tôi đã tiến hành đề tài “Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả kinh tế của một số giống lúa Thảo Cẩm tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh”, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong thời gian tới.  

Thí nghiệm gồm 6 công thức: TC (Thảo Cẩm) 21, TC22, TC23 và TC25 do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cung cấp, (giống đối chứng: (TC5) đang trồng phổ biến ở địa phương.

Các giống lúa Thảo Cẩm do PGS. TS Lê Vĩnh thảo và cộng sự nghiên cứu chọn tạo từ tổ hợp lai BM9630 x lúa Cẩm, HT1 x Lúa Cẩm và N99 x Lúa Cẩm, được Trung tâm Công nghệ và Khuyến nông nhận chuyển giao và phát triển từ năm 2019, đã chọn ra được một số giống có tiềm năng tốt, ổn định về tính trạng và đặc biệt là có hàm lượng dinh dưỡng cao như sắt, Omega, Protein.

Nội dung nghiên cứu: Đánh giá một số giống lúa Thảo Cẩm trong vụ Xuân và vụ Hè Thu năm 2023 và vụ Xuân 2024 tại Trại thực nghiệm Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Hà Tĩnh và tại xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Mục tiêu đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, tính ổn định, tính thích nghi, chất lượng và hiệu quả kinh tế của một số giống lúa Thảo Cẩm trong vụ Xuân và vụ Hè Thu 2023 và vụ Xuân 2024.

Thí nghiệm được tiến hành trong năm 2023 và 2024, được bố trí trên đất trồng lúa có thành phần cơ giới trung bình tại Trại thực nghiệm - Trường Đại học Hà Tĩnh và xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn chỉnh RCB (Complete Block Design), 3 lần nhắc lại, diện tích ô thí nghiệm là (5 m x 2 m), khoảng cách giữa các ô trong cùng lần nhắc lại là 10 cm và giữa các lần nhắc là 30 cm.

Các chỉ tiêu nghiên cứu: Thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, số nhánh hữu hiệu/khóm, số bông/m2, tổng số hạt/bông, số hạt chắc/bông, khối lượng 1.000 hạt, năng suất lý thuyết và năng suất thực tế.

- Đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng các giống lúa mới được tuyển chọn theo Tiêu chuẩn ngành về quy phạm Thử nghiệm giá trị canh tác và sử dụng giống lúa 01-55 : 2011/QCVN:

- Đánh giá tính ổn định, tính thích nghi của các giống lúa thí nghiệm theo Eberhart S.A và Russel W.A. (1966).

- Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng theo quy phạm khảo nghiệm giống lúa của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Số liệu được xử lý trên phần mềm Excel, IRRISTAT 5.0, phân tích phương sai, phân tích tương quan.

Kết quả nghiên cứu: Đánh giá các giống lúa Thảo Cẩm tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã tuyển chọn được 2 giống: TC22 và TC25 có triển vọng nhất, có thời gian sinh trưởng ngắn từ 125 - 130 ngày trong vụ Xuân và 101 - 105 ngày trong vụ Hè Thu; cho năng suất thực tế cao hơn đối chứng TC5 từ 5,5% (TC22) -7,65% (TC25) trong vụ Xuân và từ 6,0% (TC22) đến 6,89% (TC25) trong vụ Hè Thu. Các giống được tuyển chọn có chỉ số ổn định tốt hơn giống đối chứng TC5 trong cả 2 vụ: Thảo Cẩm 25, Thảo Cẩm 22 (S2di = 0,01) trong vụ Xuân và Thảo Cẩm 22 (S2di = 0,06), TC25 (S2di= 0,08), TC5 (S2di = 0,11) trong vụ Hè Thu. Các giống có chỉ số thích nghi tốt nhất: TC5(ĐC) (bi = 0,99), Thảo Cẩm 22 (bi = 1,09) trong vụ Xuân, Thảo Cẩm 25 (bi = 0,93), Thảo Cẩm 22 (0,83) và TC5 (0,86) trong vụ HT.

Đánh giá hiệu quả kinh tế các giống lúa cẩm dinh dưỡng cao tại Hà Tĩnh, 2 giống lúa Thảo Cẩm 22 và Thảo Cẩm 25 cho hiệu quả kinh tế cao hơn giống đối chứng TC5 trong cả 2 vụ, từ 9,36% (Thảo Cẩm 22) - 13,19% (Thảo Cẩm 25) trong vụ Xuân và 11,26% (Thảo Cẩm 22) - 13,02% (Thảo Cẩm 25) trong vụ Hè Thu.

Đề nghị tiếp tục thí nghiệm đánh giá 2 giống lúa Thảo Cẩm 22 và Thảo Cẩm 25 trên nhiều vùng sinh thái khác nhau của Hà Tĩnh, nhằm chọn được giống tốt nhất đề xuất vào cơ cấu giống lúa ở Hà Tĩnh; Cần khuyến cáo bà con nông dân mở rộng sản xuất 02 giống lúa ở trên, bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa của địa phương trong cả 2 vụ Xuân và Hè Thu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 Lâm Xuân Thái (2008), “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm HT9”, Tạp chí Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật.

Lê Vĩnh Thảo Lâm Xuân Thái (2011), Nghiên cứu đánh giá tập đoàn dòng, giống lúa mới cho tỉnh Quảng Trị, Dự án Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị.

Lâm Xuân Thái, Lê Vĩnh Thảo (2012), Hoàn Thiện Quy trình kỹ thuật 2 giống HT6 và N98 tại các tỉnh phía Bắc, dự án Bộ KH&CN.

Lâm Xuân Thái (2013), Nghiên cứu xác định một số giống lúa mới có năng suất chất lượng cao cho các tỉnh phía Nam vùng Bắc Trung Bộ, Luận án tiến sĩ nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Lê Vĩnh Thảo, Bùi Chí Bửu, Lưu Ngọc Trình, Nguyễn Văn Vương (2004), Các giống lúa đặc sản, giống lúa chất lượng cao và kỹ thuật canh tác, NXB Nông nghiệp.

Lâm Xuân Thái (2021), “Đánh giá khả năng thích nghi của một số giống lúa Cẩm dinh dưỡng cao tại Hà Tĩnh, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hà Tĩnh. 

Nguyễn Minh Công và Nguyễn Tiến Thăng (2007), “Sự di truyền đột biến mùi thơm phát sinh từ giống lúa tẻ thơm đặc sản Miền Bắc Tám Xuân Đài”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10, tr. 21-22,14.

Trần Danh Sửu (2008), Đánh giá đa dạng di truyền tài nguyên lúa tám đặc sản miền Bắc Việt Nam, Luận án Tiến sĩ nông nghiệp, Viện KHNN Việt Nam, Hà Nội.

Trung tâm Công nghệ và Khuyến nông - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (2021), Kết quả phân tích các giống lúa Thảo cẩm,về hàm lượng sắt, Omega, Protein.

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.