^Back To Top
Tóm tắt
Từ nhiều kết quả nghiên cứu, khuyến nghị, bài viết này chỉ ra rằng: Năng lượng trao đổi (ME), protein thô (CP) và các axit amin (aa) có mối quan hệ mật thiết với nhau trong thức ăn chăn nuôi gà thịt. ME/CP (kcal/CP%) phải nằm trong khoảng nhất định (nhìn chung thấp nhất là khoảng 121 ở giai đoạn khởi động, cao nhất là khoảng 178 ở giai đoạn kết thúc). Trong khi đó, chất lượng CP phụ thuộc vào các aa thiết yếu, nhất là lysine, methionine + cystine, threonine. Vì thế, một số tác giả chỉ đề cập đến tỷ lệ aa thiết yếu/ME trong khẩu phần. Một số aa lại có sự tương tác với nhau như methionine và cystein, phenylalanine và tyrosine. Các giống gà, giai đoạn, điều kiện nuôi khác nhau thì có mức ME, CP và aa thiết yếu khác nhau.
Từ khóa: Năng lượng trao đổi, protein thô, axit amin.
The relationship between metabolism energy and crude protein and amino acids for broiler
Abstract
1. Đặt vấn đề
Mức năng lượng trao đổi (kcal ME) và protein thô trong thức ăn (% CP) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên khi xây dựng khẩu phần cho gia cầm người ta luôn hết sức chú trọng. Tuy nhiên, chất lượng protein thô phụ thuộc vào số lượng và tỷ lệ các axit amin trong đó, đặc biệt số lượng và tỷ lệ các axit amin thiết yếu. Do đó, làm rõ các mối quan hệ này để phục vụ nghiên cứu, học tập và vận dụng kiến thức vào thực tiễn chăn nuôi là hết sức quan trọng.
2. Nội dung
2.1. Mối quan hệ giữa năng lượng trao đổi và protein thô đối với gà thịt
Năng lượng và protein có mối tương quan nhất định. Khi thiếu năng lượng trao đổi, cơ thể sẽ phân giải protein để cung cấp năng lượng, do đó, hệ số chuyển hóa thức ăn cho đơn vị sản phẩm (FCR) tăng lên. Khi thừa năng lượng trao đổi, cơ thể sẽ tăng cường tích lũy mỡ (Từ Quang Hiển, Phan Đình Thắm, 2002). Gia cầm nuôi thịt chỉ có thể tăng khối lượng ở mức cao khi tỷ lệ giữa năng lượng trao đổi (ME) và protein thô (CP) nằm trong khả năng tự điều chỉnh của chúng. Vì vậy, tỷ lệ ME/CP (kcal/CP%) trong thức ăn quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng lớn đến tăng khối lượng, sử dụng các chất dinh dưỡng của thức ăn và chất lượng sản phẩm (Jackson và cs., 1982 - dẫn từ Từ Quang Hiển và cs., 2013).
Khi mức năng lượng ăn vào cao, khoảng 85% năng lượng tích lũy trong mỡ và 15% năng lượng dự trữ trong protein. Khi mức năng lượng ăn vào thấp, một lượng mỡ cơ thể được huy động, trong khi protein được tích lũy (Boekholt và cs., 1994 - dẫn từ Nguyễn Đức Hưng, 2006). Gà sinh trưởng tốt với mức năng lượng 2.800 kcal/kg thức ăn (TĂ) và mức protein 23%, 22%, 18% ứng với giai đoạn khởi động, sinh trưởng và kết thúc. Khi tăng năng lượng trong khẩu phần sẽ làm tăng lượng mỡ. Khi tăng protein khẩu phần sẽ làm tăng tỷ lệ nước và protein trong thịt nhưng làm giảm lượng mỡ và năng lượng trong thịt (Baghel, Pradhan, 1989).
Tỷ lệ ME/CP tăng dần theo giai đoạn phát triển của gà. Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ này thường thấp vì mật độ ME thấp và % CP lại cao so với giai đoạn sau; ngược lại, giai đoạn sau mật độ ME tăng lên nhưng % CP lại giảm trong khẩu phần so với giai đoạn trước. Nhìn chung, yêu cầu mật độ dinh dưỡng cho gà thịt ở giai đoạn trước vẫn cao hơn giai đoạn sau trong khẩu phần. Kamran và cs. (2008) khẳng định rằng, nuôi gà thịt khẩu phần có CP thấp với tỷ lệ ME/CP không đổi đã ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng. Từ Quang Hiển và cs. (2013) cho biết, các nước thường quy định tỷ lệ ME/CP (kcal/CP%) vào khoảng 130 - 150 cho gà thịt giai đoạn đầu và 160 - 170 vào giai đoạn sau (nuôi theo 2 giai đoạn). Còn NRC, 1994 (Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ) thì khuyến cáo, tỷ lệ ME/CP (kcal/CP%) trong thức ăn của gà thịt để tăng khối lượng trung bình giai đoạn khởi động là: 139 (ME: 3.200 kcal/kg TĂ; CP: 23%); giai đoạn sinh trưởng là: 160 (ME: 3.200 kcal/kg TĂ; CP: 20%); giai đoạn kết thúc là: 178 (ME: 3.200 kcal/kg TĂ; CP: 18%). Hãng Ross broiler, 2009 (dẫn từ Từ Quang Hiển và cs., 2013) khuyến cáo tỷ lệ ME/CP (kcal/CP%) trong thức ăn của gà thịt để tăng khối lượng cao giai đoạn khởi động là: 138 - 121 (ME: 3.025 kcal/kg TĂ; CP: 22 - 25%); giai đoạn sinh trưởng là: 149 - 136 (ME: 3.125 kcal/kg TĂ; CP: 21 - 23%); giai đoạn kết thúc là: 168 - 152 (ME: 3.200 kcal/kg TĂ; CP: 19 - 21%).
Thời gian gần đây, nhiều tác giả cũng đã nghiên cứu về ME và CP cho các đối tượng gà khác nhau: Mbajiorgu và cs. (2011) đã nghiên cứu trên gà Venda bản địa và thấy rằng, tỷ lệ ME/CP 62 MJ ME/kg protein (tương đương 148 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho lượng ăn vào và sinh trưởng; ME/CP 63 MJ ME/kg protein (tương đương 150 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho FCR giai đoạn 1 - 42 ngày tuổi; ME/CP 60 MJ ME/kg protein (tương đương 143,6 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho sinh trưởng và FCR của gà trống giai đoạn 43 - 91 ngày tuổi; tuy nhiên, ME/CP: 62 MJ ME/kg CP (tương đương 148 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho lượng ăn vào của gà trống giai đoạn 43 - 91 ngày tuổi. Kết quả khẳng định, ME/CP: 62 MJ ME/kg CP (tương đương 148 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho lượng ăn vào mà không phân biệt lứa tuổi và tính biệt của gà. Moosavi và cs. (2012) đã nghiên cứu trên gà Ross 308 và kết luận nuôi gà thịt ME thấp và CP thấp đã giảm sự tăng trưởng, nhưng chỉ tiêu thịt không bị ảnh hưởng. Haunshi và cs. (2012) đã nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng năng lượng trao đổi và hàm lượng protein thô khác nhau trên gà Aseel giai đoạn 1 - 56 ngày tuổi. Nghiên cứu kết luận rằng, việc cung cấp ME 2.600 kcal/kg và 16% CP sẽ là lý tưởng cho sự phát triển tối ưu của gà trong giai đoạn này. Tuy nhiên, để có được FCR tốt hơn, chế độ dinh dưỡng khẩu phần ME 2.800 kcal/kg và 16% CP sẽ là lý tưởng. Lqbal Z. và cs. (2014) đã nghiên cứu và kết luận rằng, tiêu thụ thức ăn của gà broiler giảm, trong khi đó FCR được cải thiện khi mật độ dinh dưỡng khẩu phần tăng lên. CP và ME có thể giảm tương ứng tới 19,3% và 2771 kcal/kg thức ăn, mà không làm giảm khả năng sản xuất của gà thịt (tăng khối lượng, chất lượng thịt).
2.2. Mối quan hệ giữa năng lượng trao đổi và axit amin đối với gà thịt
Đa số các nhà khoa học cho rằng, việc nghiên cứu tỷ lệ giữa năng lượng trao đổi với các axit amin trong khẩu phần sẽ cho kết quả chính xác hơn so với tỷ lệ giữa năng lượng với % protein thô. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này đòi hỏi rất công phu và tốn kém nên rất khó thực hiện (Nguyễn Duy Hoan, 2010).
Giữa nhu cầu từng loại axit amin và hàm lượng protein thô tổng số trong khẩu phần có quan hệ qua lại. Nếu tỷ lệ các axit amin trong protein cân đối với nhu cầu vật nuôi thì protein bị oxy hóa để thành năng lượng sẽ thấp. Nếu hàm lượng protein thô cao nhưng không cân đối các axit amin, đặc biệt là axit amin thiết yếu thì nhu cầu từng loại axit amin cũng sẽ thay đổi. Do đó, nhu cầu axit amin được biểu thị theo năng lượng (ví dụ: g axit amin/MJ ME). Lysine là axit amin được sử dụng để xác định nhu cầu cho các axit amin thiết yếu còn lại dựa vào tỷ lệ của chúng trong protein lý tưởng (Lê Đức Ngoan, Dư Thanh Hằng, 2014).
Nếu axit amin thiết yếu trong khẩu phần thấp, gà sẽ giảm tốc độ sinh trưởng và hiệu quả chuyển đổi thức ăn thấp. Với các khẩu phần cùng lượng axit amin thiết yếu, gà sẽ có cùng lượng axit amin ăn vào mà không phải cùng lượng năng lượng (Skinner và cs., 1991 - dẫn từ Nguyễn Đức Hưng, 2006).
Heinrichs, 2009 (dẫn từ Nguyễn Duy Hoan, 2010) đã đề xuất tỷ lệ ME/lysine của gà 1 - 21 ngày tuổi là 2728, gà 22 - 42 ngày tuổi là 2900, 43 - 56 ngày tuổi là 3494. Còn Leeson, Summers (2008) khuyến cáo mức lysine (g)/năng lượng trao đổi (Mcal) đối với gà broiler giống Hubbard là 2,47 g/Mcal; đối với gà broiler giống Cobb là 2,68 g/Mcal; đối với gà broiler giống Ross là 2,80 g/Mcal.
2.3. Mối quan hệ giữa các axit amin với nhau và các axit amin với protein
Giữa các axit amin có sự tương tác với nhau. Ở gà, nhu cầu lysine tăng khi khẩu phần thấp methionine, arginine và vitamin nhóm B. Sự tương tác gây ra do sự chuyển đổi một axit amin này thành một axit amin khác. Nếu khẩu phần thiếu cystine hoặc dạng cystein trao đổi của nó thì cystine sẽ được tổng hợp từ methionine. Do đó, nhu cầu methionine phục thuộc vào hàm lượng cysteine hoặc cystine trong khẩu phần và hai axit amin này luôn luôn đi chung với nhau. Vì vậy, thuật ngữ: "Nhu cầu methionine cộng cystine" được sử dụng. Tuy nhiên, methionine lại không được tổng hợp từ cystine, vì vậy methionine phải luôn luôn có mặt một phần để đáp ứng nhu cầu của con vật. Phenylalanine và tyrosine có quan hệ tương tự. Ở gà, glycine và serine có thể chuyển đổi cho nhau. Nếu protein được sử dụng cho sản sinh năng lượng thì nhu cầu axit amin cũng sẽ thay đổi. Axit amin được sử dụng nhiều nhất trong thiết lập nhu cầu dinh dưỡng là lysine. Trong thực tế, các axit amin trong khẩu phần luôn vượt ra ngoài tỷ lệ mong muốn, vì vậy sử dụng bị thiếu hụt so với nhu cầu. Axit amin bị thiếu hụt đó gọi là axit amin giới hạn. Lysine và methionine là hai axit amin giới hạn đầu tiên trong hầu hết các loại thức ăn cho vật nuôi Việt Nam (Lê Đức Ngoan, 2002).
Do cysteine có thể được tổng hợp từ methionine nên cysteine (hoặc cystine) có thể đáp ứng được 50% nhu cầu tổng lượng axit amin chứa lưu huỳnh (methionine + cysteine). Bằng cách này, cysteine có thể làm giảm nhu cầu đối với methionine. Tương tự như đối với nhóm axit amin chứa lưu huỳnh, phenylalanine có thể đáp nhu cầu của tổng lượng phenylalanine và tyrosine (axit amin có nhân thơm) vì sự chuyển hóa phenylalanine có thể tạo thành tyrosine. Tyrosine có thể đáp ứng tối thiểu 50% tổng nhu cầu của hai loại axit amin này nhưng nó không phải là nguồn duy nhất và không thể thay thế cho phenylalanine vì nó không thể chuyển được thành phenylalanine (Hồ Trung Thông và cs., 2006).
Mối quan hệ giữa axit amin và protein thể hiện chất lượng protein. Theo Lê Đức Ngoan, Dư Thanh Hằng (2014) thì protein lý tưởng là loại protein cân đối axit amin thiết yếu và không thiết yếu, do đó nó cung cấp đầy đủ và đúng tỷ lệ các axit amin thiết yếu mà vật nuôi yêu cầu.
Khi sử dụng protein lý tưởng cho gà thịt, sẽ có 3 lợi ích, đó là: Tăng tốc độ tăng trưởng và giảm FCR; giảm protein tổng số của khẩu phần; giảm nitơ thải tiết, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Gà thịt ăn khẩu phần có tỷ lệ protein thô thấp (18% CP giai đoạn khởi động và 16% giai đoạn kết thúc) có bổ sung axit amin tốt hơn so với gà ăn khẩu phần có tỷ lệ protein thô 20% ở giai đoạn khởi động và 18% ở giai đoạn kết thúc nhưng không được bổ sung axit amin (Querubin và cs., 1989).
Kamran và cs. (2011) đã tiến hành thí nghiệm để nghiên cứu tác động của việc giảm protein thô (CP) trong khẩu phần trên gà thịt Hubbard từ 1 - 35 ngày tuổi. Bốn khẩu phần ăn đã được xây dựng. Khẩu phần A (đối chứng) với 23, 22 và 20% CP ứng với giai đoạn khởi động, sinh trưởng và kết thúc. Khẩu phần B, C và D mức CP đã giảm xuống còn 22, 21 và 20% trong giai đoạn khởi động; 21, 20 và 19% trong giai đoạn sinh trưởng và 19, 18 và 17% trong giai đoạn kết thúc. Tất cả các khẩu phần sử dụng 2.925, 3.075 và 3.125 kcal/kg ME. Lysine tiêu hóa được duy trì ở mức 1,10, 1,02 và 0,90% cho giai đoạn khởi động, giai đoạn sinh trưởng, giai đoạn kết thúc và axit amin giới hạn cũng được sử dụng theo khuyến cáo. Kết quả thấy rằng: Mức tăng khối lượng, lượng thức ăn ăn vào, FCR, tổng ME ăn vào và hiệu quả sử dụng ME tương tự nhau giữa các lô thí nghiệm. Tuy vậy, tổng lượng protein ăn vào giảm và hiệu quả sử dụng protein tăng với khẩu phần có mức CP thấp trong toàn bộ giai đoạn sinh trưởng. Đặc điểm chất lượng thịt giữa các lô thí nghiệm giống nhau. Các tác giả kết luận, mức CP có thể giảm mà không ảnh hưởng xấu đến khả năng sản xuất (tăng khối lượng, chất lượng thịt, FCR) của gà khi được bổ sung các axit amin giới hạn.
Mức lysine trong khẩu phần vẫn luôn luôn được các nhà khoa học chú trọng. Christian Wecke và cs. (2016) đã tiến hành nghiên cứu theo phương pháp cân bằng nitơ (N) để đánh giá lại yêu cầu lysine của một dòng gà trống thịt hiện đại (Ross 308), sử dụng tám khẩu phần có 6% - 34% CP. Đối với giai đoạn khởi đầu (10 - 20 ngày tuổi), lúc khối lượng gà 600 g, yêu cầu lysine từ 741 mg đến 823 mg mỗi ngày, tương ứng tỷ lệ trong thức ăn là 1,06% đến 1,18%. Giai đoạn sinh trưởng (25 - 35 ngày tuổi), khối lượng gà bình quân 1800 g, yêu cầu từ 1272 mg đến 1473 mg lysine mỗi ngày, tương ứng tỷ lệ lysine trong khẩu phần là 0,85% đến 0,94%.
Ji-Hyuk Kim (2014) đã nghiên cứu để kiểm tra các giả định rằng, mất cân bằng hỗn hợp axit amin dẫn đến tăng sản xuất nhiệt (HP). Thí nghiệm được dựa trên khẩu phần với các mức protein thô (CP) khác nhau nhưng mức lysine cố định (axit amin giới hạn đầu tiên). Gà trống thịt 21 ngày tuổi (n = 50) được chia làm 5 nhóm, 5 lần lặp lại, 2 con/lô. Năm khẩu phần với mức CP lần lượt là 18, 21, 24, 27, 30% với một mức lysine không đổi (1,1%). Các mức CP không có tác động đối với lượng ăn vào. Tuy nhiên, mật độ CP đã có ảnh hưởng đáng kể đến lượng nước uống (P <0,01). Với lysine không đổi và CP khác nhau, đã tăng 75% lượng N ăn vào khi mật độ CP tăng. Điều này dẫn đến tăng 150% lượng N bài tiết, không có thay đổi sản xuất nhiệt. Giả sử sản xuất nhiệt đúng với kết quả xác định thực nghiệm, khẩu phần CP có xu hướng tăng không tương quan với lượng ăn vào axit amin giới hạn đầu tiên.
Ng’ambi và cs. (2009) đã tiến hành thí nghiệm để xác định tỷ lệ lysine/CP đến khả năng sản xuất của gà trống broiler Ross 308. Trong mỗi lô thí nghiệm khẩu phần giống nhau về năng lượng và nitơ nhưng khác nhau về tỷ lệ lysine/CP. Chia thành giai đoạn là khởi động (1 - 21 ngày) và giai đoạn sinh trưởng (22 - 42 ngày). Tỷ lệ lysine/CP tối ưu cho tăng trưởng và FCR lần lượt là 0,066 và 0,077, trong giai đoạn khởi động. Lysine/CP tối ưu cho tốc độ sinh trưởng, FCR, thịt ngực và hàm lượng nitơ lần lượt là 0,073, 0,073, 0,069 và 0,079, trong giai đoạn sinh trưởng. Lysine/CP không ảnh hưởng lượng ăn vào và khả năng tiêu hóa. Kết quả chỉ ra rằng, tại mỗi giai đoạn, chế độ lysine/CP được tối ưu hóa cho cả tốc độ tăng trưởng và FCR. Tuy nhiên, tỷ lệ này tối ưu cho thịt ngực thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng và FCR. Những phát hiện này có ý nghĩa về xây dựng khẩu phần ăn cho gà thịt.
Usama Aftab và cs. (2007) đã tiến hành nghiên cứu mức lysine chăn nuôi gà Hubbard trong điều kiện mùa Hè ở Pakistan, dinh dưỡng thấp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Giai đoạn 4 - 21 ngày tuổi, nhiệt độ trung bình dao động từ 28 - 40 oC, với mức ME 2.700 kcal/kg, protein thô 18,6%, thì mức lysine tổng số thích hợp là 0,97 - 0,98%; giai đoạn 21 - 40 ngày tuổi, nhiệt độ trung bình từ 23 - 26 oC, với mức ME 2.750 kcal/kg, protein 17,1% thì mức lysine tổng số thích hợp là 0,87%. Ước tính lysine tiêu hóa thích hợp giai đoạn 4 - 21 ngày tuổi là 0,84 - 0,85%; giai đoạn 21 - 40 ngày tuổi là 0,75%.
3. Kết luận
Mối quan hệ giữa ME, CP và aa đối với gà thịt được thể hiện cụ thể ở tỷ lệ ME/CP, sự có mặt của aa thiết yếu trong CP, aa/ME, sự tương tác giữa các aa với nhau, mức các aa thích hợp cho gà thịt trong khẩu phần, mà chủ yếu dựa vào các tỷ lệ lysine, methionine + cystine, threonine và tỷ lệ giữa chúng. Lysine còn được quan tâm nghiên cứu trong mối quan hệ với protein thô, như một vai trò trọng tâm để cân đối các axit amin.
Các mối quan hệ trên thay đổi khác nhau trong điều kiện chăn nuôi khác nhau, giống gà khác nhau, giai đoạn nuôi khác nhau. Nhìn chung, ME/CP (kcal/%) thấp nhất là khoảng 121 ở giai đoạn khởi động, cao nhất là khoảng 178 ở giai đoạn kết thúc. Mức lysine (g)/ME (Mcal) đối với gà broiler giống Hubbard, Cobb và Ross lần lượt được khuyến cao là 2,47, 2,68 và 2,80. Để giảm CP từ 23, 22, 20% xuống còn 20, 19 và 17% ở giai đoạn khởi động, sinh trưởng và kết thúc thì yêu cầu tỷ lệ lysine tiêu hóa trong khẩu phần là 1,10, 1,02 và 0,90% (đối với gà thịt Hubbard). Chăn nuôi trong điều kiện nhiệt độ cao, lysine trong khẩu phần phải cao hơn so với nhiệt độ thích hợp.
Nếu chúng ta vận dụng tốt các kết quả nghiên cứu, khuyến cáo trên, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gà thịt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tài liệu Tiếng Việt:
Hồ Trung Thông, Lê Văn An, Nguyễn Thị Lộc, Đỗ Quý Hai, Cao Đăng Nguyên (2006), Giáo trình Hóa Sinh động vật, Nxb. Nông Nghiệp.
Lê Đức Ngoan (2002), Giáo trình dinh dưỡng gia súc, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
Lê Đức Ngoan, Dư Thanh Hằng (2014), Giáo trình dinh dưỡng vật nuôi, Nxb. Đại học Huế.
Nguyễn Duy Hoan (2010), Dinh dưỡng protein gia cầm, Nxb. Đại học Thái Nguyên.
Nguyễn Đức Hưng (2006), Giáo trình Chăn nuôi gia cầm, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
Từ Quang Hiển, Trần Văn Phùng, Phan Đình Thắm, Trần Thanh Vân, Từ Trung Kiên (2013), Dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi - Tài liệu dùng cho đào tạo Tiến sĩ, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
Từ Quang Hiển, Phan Đình Thắm (2002), Giáo trình thức ăn và dinh dưỡng động vật - hệ cao học, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
II. Tài liệu Tiếng Anh:
Baghel R. D., Bradhan K. S. (1989), "Influence of energy, proteine and limiting amino acid levels on live weight, meats yield and processing losses in broiler during cold season", Indian J. Nutr., Vol. 6, No. 3, pp. 255 - 258.
Christian Wecke, Anja Pastor, Frank Liebert (2016), "Validation of the lysine requirement as reference amino acid for ideal in-feed amino acid ratios in modern fast growing meat - type chickens", Open Journal of Animal Sciences, Vol. 6, pp.185 - 194.
Haunshi S., Panda A. K., Rajkumar U., Padhi M. K., Niranjan M., Chatterjee R. N., (2012), "Effect of feeding different levels of energy and protein on performance of Aseel breed of chicken during juvenile phase", US National Library of Medicine National Institutes of Health, Trop. Anim. Health Prod., Vol. 44, pp. 1653 - 1658.
Ji Hyuk Kim (2014), "Effect of protein: Lysine ratio on energy and nitrogen metabolism in broiler chickens", International Journal of Poultry Science, Vol. 13, No. 7, pp. 421- 428.
Kamran Z., Sarwar M., Nisa M., Nadeem M. A., Mahmood S., Babar M. E., Ahmed S. (2008), "Effect of low-protein diets having constant energy-to-protein ratio on performance and carcass characteristics of broiler chickens from one to thirty-five days of age", US National Library of Medicine National Institutes of Health, Poult. Sci., 2008 Mar, pp. 468 - 474.
Kamran Z., Nisa M. U., Nadeem M. A., Sarwar M., Amjid S. S., Pasha R. H. and Nazir S. (2011), "Effect of low crude protein diets with constant metabolizable energy on performance of broiler chickens from one to thirty-five days of age", Indian Journal of Animal Sciences, Vol. 81, No. 11, pp. 1165 - 1172
Leeson S., Summers J. D. (2008), “Feeding programs for broiler breeders”, Commercial Poultry Nutrition, Nottingham, England 2008, pp. 302.
Lqbal Z., Mughal A., Kamran Z., Ali A., Ahsan U. (2014), "Effect of constant ME:CP at different levels of CP and ME on growth performance and meat characteristics of broilers from 1-28 days", Archiva Zootechnica, Vol. 17, No. 2, pp. 43 - 53.
Moosavi M., Chaji boujarpour M., Rahimnahal S., Kazemi A. R. (2012), "Effect of different levels of energy and protein with constant ratio on performance and carcass characteristics in broiler chickens", International Research Journal of Applied and Basic Sciences, Vol. 3, No. 12, pp. 2485 - 2488.
Ng’ambi J. W., Maoba S. M., Norris D., Malatje M. S., Mbajiorgu C. A. (2009), "Effect of dietary lysine to crude protein ratio on performance of male Ross 308 broiler chickens", Tropical Animal Health and Production, Vol. 41, pp. 11 - 16
NRC - National Reseach Council (1994), Nutrition requerements of poultry, 9th revised adition, National Academy press, Washington D.C.
Querubin L. J., Alcantara P. F., Pagaspas V. O., Arellano L. Z. (1989), “Amino acid supplementation of low protein and high copra meal diets of starter and finisher broiler diet”, Amimal Husbrandy and Agricultural journal (Philippines), Vol. 22, No. 11, pp. 28 - 44.
Usama Aftab, Muhammad Ashraf, Abdul Samad Mumtaz and Zhirong Jiang (2007), "Lysine requirement of broiler chickens fed low -density diets under tropical conditions", Association of Production Societies, The Asian - Australasian, Asian-Aust. J. Anim. Sci., Vol. 20, No. 6, pp. 939 - 943.