^Back To Top

Tóm tắt

Cơ cấu ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay chủ yếu là chăn nuôi lợn chiếm 71%, chăn nuôi gia cầm chiếm 20% và chăn nuôi gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 9%. Tổng đàn đàn lợn của cả nước giai đoạn 2016 - 2021 có chiều hướng giảm mạnh, năm 2016 là 29,075 triệu con và năm 2021 là 23,327 triệu con, giảm gần 20%; Đàn lợn nái giống ngoại có năng suất sinh sản trung bình 24 - 26 con cai sữa/nái/năm và bình quân sản xuất được 21 con lợn thịt xuất chuồng/nái/năm, khối lượng xuất chuồng bình quân trên 100 kg/con/năm đạt hơn 2 tấn thịt hơi/nái/năm, tiêu tốn 2,4 - 2,5 kg thức ăn/kg tăng khối lượng; Mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 70 - 80% nguyên liệu từ nước ngoài; Chăn nuôi lợn đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi, tuy nhiên số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang tồn tại với tỷ lệ lớn.

Từ khóa: Thực trạng chăn nuôi lợn, năng suất sinh sản.

Abstract

The current structure of Vietnam's livestock industry is mainly pig farming, accounting for 71%, poultry farming 20%, and herbivorous cattle raising only 9%. The total pig herd of the country in the period 2016 - 2021 tends to decrease sharply, in 2016 it is 29,075 million heads and in 2021 it is 23,327 million heads, down nearly 20%. The herd of foreign-bred sows has an average reproductive yield of 24 - 26 weaned pigs/sow/year and produces an average of 21 slaughter pigs/sow/year, with an average weight of over 100 kg head year reaching more than 2 tons of live meat sow year, consuming 2.4-2.5 kg of feed kg of weight gain. Although being a leading food producer and exporter in the world, Vietnam's animal feed industry still has to import 70-80% of its raw materials from abroad. Pig farming is shifting from small-scale, small-scale, and dispersed livestock production to farm farming, concentrating and forming livestock value chains, but the number of small-scale breeding households is also increasing.

Keywords: Situation of pig production, reproductive productivity.

1. Đặt vấn đề

Cơ cấu ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện nay chủ yếu là chăn nuôi lợn chiếm 71%, chăn nuôi gia cầm chiếm 20% và chăn nuôi gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 9% (Cục Chăn nuôi, 2019). Tuy nhiên, chăn nuôi lợn so với các nước trong khu vực và thế giới thì năng suất và chất lượng đàn giống của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù các cơ quan nhà nước đã chú trọng đầu tư cho công tác cải tạo và nâng cấp đàn giống thông qua các chương trình lợn giống quốc gia, nhưng năng suất sinh sản bình quân của đàn lợn nhập ngoại ở các cơ sở chăn nuôi vẫn còn thấp so với năng suất sinh sản bình quân tại Mỹ, Canada, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch.

Năng suất sinh sản của lợn nái ngoại ở Việt Nam còn thấp có thể là do khi nhập các giống lợn này về chúng ta vẫn áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện khí hậu ôn đới, vì vậy chưa thực sự phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng ở nước ta, một nước có khí hậu nhiệt đới. Để tăng số lợn con cai sữa/nái/năm (≥23 lợn con cai sữa/nái/năm), tăng tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa (≥93%) và tăng chất lượng đàn lợn con cai sữa thì quy trình chăn nuôi lợn nái cao sản cần phải được cải tiến và hoàn thiện, như con giống, thức ăn, chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh thú y trong các giai đoạn nuôi hậu bị, mang thai và nuôi con ở từng điều kiện chăn nuôi (chuồng kín, chuồng hở) đối với từng vùng sinh thái khác nhau (miền Bắc, miền Trung và miền Nam).

Để nâng cao năng suất và chất lượng đàn giống lợn của Việt Nam, cần có những nghiên cứu và đánh giá được hiện trạng chăn nuôi lợn (đặc biệt là lợn nái) về giống, thức ăn, chuồng trại và phương thức chăn nuôi, từ đó đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp: Thông tin và số liệu được thu tập từ các báo cáo đánh giá của cơ quan ngành nông nghiệp, Tổng cục thông kê, Cục Chăn nuôi, các công trình nghiên cứu đã công bố của một số tác giả về thực trạng tình hình chăn nuôi lợn trong và ngoài nước.

- Từ các thông tin và số liệu được thu thập bằng phương pháp thứ cấp chúng tôi tiến hành tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng tình hình chăn nuôi lợn nái ngoại ở Việt Nam và đưa ra một số vấn đề tồn tại.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng về tổng đàn, cơ cấu và sản lượng thịt lợn

Theo Tổng cục thống kê, nhìn chung tổng đàn đàn lợn của cả nước từ 2016 đến 2019 có chiều hướng giảm mạnh và tăng nhẹ từ năm 2020 đến năm 2021, năm 2016 là 29,075 triệu con và năm 2021 là 23,327 triệu con, giảm gần 20%. Năm 2020 tổng đàn lợn của cả nước là 22,028 triệu con, trong đó đàn nái chiếm 3,025 triệu con và lượng thịt hơi xuất chuồng là 4,020 triệu tấn. Năm 2021, tổng đàn lợn của cả nước là trên 23,327 triệu con tăng 12,99%, trong đó đàn nái là 3,213 triệu con tăng khoảng 2% và tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 4,174 triệu tấn tăng 1,54% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, so với năm 2020 chăn nuôi lợn cả nước năm 2021 đã tăng về tổng đàn và số lượng đàn nái, tuy nhiên số lượng lợn thịt xuất chuồng và lượng thịt hơi xuất chuồng tăng không đáng kể.

Bảng 1. Cơ cấu đàn lợn và sản lượng thịt lợn giai đoạn 2016 - 2021

Chỉ tiêu

ĐVT

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng đàn

Triệu con

29,075

27,406

28,151

20,209

22,028

23,327

Đàn nái

Triệu con

4,235

3,989

3,974

2,636

3,025

3,213

Số lợn thịt xuất chuồng

Triệu con

51,115

49,032

49,743

48,162

46,346

47,892

Lượng thịt hơi xuất chuồng

Triệu tấn

3,664

3,733

3,816

4,085

4,020

4,174

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2016-2021)

Từ năm 2016 - 2019 chăn nuôi lợn cả nước có chiếu hướng giảm dần là do gặp nhiều khó khăn do về thị trường, tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi. Theo đánh giá của Tổng cục thống kê tính từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 19/12/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.527 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng 340,8 nghìn tấn, đây là nguyên nhân làm cho tổng đàn lợn cả nước năm 2019 giảm sâu. Đến năm 2020, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát khá tốt, tổng số lợn bị tiêu hủy trong năm chỉ bằng 1,5% so với năm 2019. Tuy nhiên, năm 2020, công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn có đủ nguồn lực, chủ động được con giống. Đây là nguyên nhân chính khiến việc tái đàn của người dân không thể nhanh như kỳ vọng.

3.2. Chất lượng con giống

Việt Nam đã nhập các nguồn gen lợn cao sản chất lượng cao thuộc các dòng, giống Landrace, Yorkshire, Duroc và Pietrain từ các nước Pháp, Mỹ, Canada, Thái Lan, Đài Loan, Đan Mạch để làm nguyên liệu lai tạo ra đàn lợn nái sản xuất. Đàn lợn nái sản xuất hiện nay đối với lợn ngoại chủ yếu là các dòng lai hoặc dòng tổng hợp được kết hợp giữa các nguồn khác nhau trong cùng giống hay lai khác giống (chiếm 80%) (Cục Chăn nuôi, 2019). Việt Nam hiện nay cũng có nguồn gen các giống lợn bản địa rất phong phú gồm trên 20 giống, đặc biệt là các giống lợn Móng Cái, lợn Hương ... sử dụng làm nái nền lai với đực ngoại phục vụ xuất khẩu lợn sữa và lợn choai. Nái lai giữa lợn ngoại với lợn bản địa và lợn nái bản địa thuần chiếm tỷ lệ 20% (Cục Chăn nuôi, 2019).

Cơ cấu giống lợn hiện nay đã có sự thay đổi theo định hướng tăng tỷ lệ lợn nái ngoại từ 19,8% (năm 2013) lên 20,4% (năm 2014) và đạt 22,4% (năm 2015). Và năm 2019 cả nước có khoảng 127,642 con lợn nái cụ kỵ, ông bà giống Landrace, Yorkshire, Duroc và một lượng nhỏ giống Pietrain để sản xuất ra đàn giống bố mẹ từ các tổ hợp lai giữa các giống ngoại nhập và các tổ hợp lai giữa các giống lợn nội của Việt Nam với giống ngoại nhập với tổng đàn nái bố mẹ chiếm khoảng 60% so với tổng đàn nái của cả nước (Tổng cục thống kê, 2020).

Đàn lợn nái giống có năng suất và chất lượng ngày càng được nâng cao, số con sơ sinh sống/ổ tăng từ 9,8 con lên 11,2 con; số con cai sữa/ổ tăng từ 9,0 con lên 10,2 con, số con cai sữa/nái/năm từ 17 - 18 con lên 21 - 23 con. Năng suất sinh sản trung bình của đàn nái bố mẹ đạt 24 - 26 con cai sữa/nái/năm và bình quân sản xuất được 21 con lợn thịt xuất chuồng/nái/năm, khối lượng xuất chuồng bình quân trên 100 kg/con/năm đạt hơn 2 tấn thịt hơi/nái/năm, tiêu tốn 2,4 - 2,5 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Một số dòng lợn được chọn tạo trong nước đạt năng suất sinh sản 26 - 28 con cai sữa/nái/năm(Cục Chăn nuôi, 2019).

Cục Chăn nuôi (2019), cho biết đàn lợn nái bản địa, chất lượng con giống chưa cao 1,8 lứa đẻ/nái/năm, khối lượng xuất chuồng khoảng 51 kg, tính bình quân chỉ sản suất được 10 con lợn thịt xuất chuồng/nái/năm đạt hơn 500 kg thịt hơi/nái/năm, tiêu tốn thức ăn cao khoảng 4,5-5,2 kg thức ăn/kg tăng khối lượng.

Hằng năm, các giống lợn cụ kỵ, ông bà của giống Duroc, Landrace và Yorkshire được nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó về số lượng giống Yorkshire chiếm 39,1%, Landrace chiếm 34,1%, Duroc chiếm 22% và Pietrain chiếm 4,8% (Cục Chăn nuôi, 2019).

Trên cơ sở các giống lợn trong nước và các giống nhập ngoại, Việt Nam đã thành công trong việc tạo ra các dòng, giống mới có năng suất tương đương giống ngoại nhập. Từ các giống lợn ngoại nhập đã chọn, tạo ra những giống có năng suất, chất lượng cao và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi của nước ta như các giống TH12, TH21 và ĐC1 từ kết quả nghiên cứu của Phạm Duy Phẩm (2016). Tuy nhiên, bên cạnh đó ở khu vực nông hộ, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu nhiều con giống được tạo ra từ sản xuất nông hộ không đảm bảo chất lượng vẫn được sử dụng.

3.3. Thức ăn

3.3.1. Tình hình chung                     

Theo Cục Chăn nuôi (2021), ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Năm 2015, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) cả nước đạt 15,846 triệu tấn thì đến năm 2020 đã đạt 20,295 triệu tấn. Tăng trưởng về sản lượng TACN trong cả giai đoạn đạt 28,5%; trung bình 5,7%/năm. Sản lượng tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực đồng bằng đã chiếm trên 85,1% còn lại là các khu vực khác, cụ thể: Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chiếm 38,9%; Đông Nam Bộ (ĐNB) chiếm 32,5%;  Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 13,7%. Các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô nhỏ đã dần được thay thế bởi các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Việt Nam trở thành nước đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan (18,6 triệu tấn) và Indonesia (18,3 triệu tấn). Mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân là do các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như ngũ cốc, đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia... hiện Việt Nam sản xuất không đủ hoặc do giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Bảng 2. Sản lượng TACN giai đoạn 2015-2020 theo vùng sinh thái (1.000 tấn)

TT

Vùng

2015

2016

2017

2018

2019

2020

1

Bắc Trung Bộ

189

153

259

304

470

541

2

Duyên Hải NTB

935

1,595

1,438

1,453

1,667

1,645

3

Đông Bắc

364

410

319

344

422

499

4

ĐBSCL

2,421

3,277

3,352

3,012

2,947

2,785

5

ĐBSH

6,799

8,889

7,826

7,798

7,268

7,902

6

Đông Nam Bộ

5,006

5,661

5,993

5,753

5,975

6,589

7

Tây Bắc Bộ

129

165

192

145

191

330

Tổng số

15,846

20,152

19,381

18,813

18,942

20,295

Tăng trưởng (%)

 

27,2

-3,8

-2,9

0,7

7,1

Nguồn: Cục Chăn nuôi (2021)

Sản lượng TACN được duy trì khá ổn định ở khu vực doanh FDI đạt 9,5 triệu tấn (tương đương 60,0%), của khối doanh nghiệp trong nước đạt 6,3 triệu tấn (nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, cụ thể: năm 2015, sản lượng TACN của các doanh nghiệp tương đương 40,0%). Đến năm 2020, sản lượng của các doanh nghiệp FDI đạt 12,1 triệu tấn (tương đương 59,8%), của các doanh nghiệp trong nước đạt 8,2 triệu tấn (tương đương 40,2%).

Bảng 3. Sản lượng TACN giai đoạn 2015 - 2020 theo loại hình doanh nghiệp (1.000 tấn)

Loại hình doanh nghiệp

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Sản lượng

Tỷ lệ (%)

Sản lượng

Tỷ lệ (%)

Sản lượng

Tỷ lệ (%)

Sản lượng

Tỷ lệ (%)

Sản lượng

Tỷ lệ (%)

Sản lượng

Tỷ lệ (%)

FDI

9,507

60,0

12,391

61,5

11,472

59,2

11,245

59,8

11,618

61,3

12,143

59,8

Trong nước

6,339

40,0

7,761

38,5

7,908

40,8

7,568

40,2

7,324

38,7

8,151

40,2

Tổng số

15,846

100

20,152

100

19,381

100

18,813

100

18,942

100

20,295

100

Nguồn: Cục Chăn nuôi (2021)

Cơ cấu sản lượng TACN theo đối tượng vật nuôi đang có sự thay đổi giữa thức ăn cho lợn và thức ăn cho gia cầm, cụ thể: Trong giai đoạn 2015 - 2017, sản lượng TACN cho lợn luôn chiếm trên 60% (63,6 - 67,3%), cho gia cầm ở mức trên 30% (30,6 - 33,5%) so với tổng sản lượng TACN các loại. Đến giai đoạn 2018 - 2020, cơ cấu có sự thay đổi theo hướng giảm TACN cho lợn, tăng TACN cho gia cầm (năm 2020, TACN cho lợn chiếm 43,8%, TACN cho gia cầm chiếm 52,7%), nguyên nhân  do sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người chăn nuôi đã chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm (Cục Chăn nuôi, 2021).

3.3.2. Tình hình sử dụng thức ăn và chế độ nuôi dưỡng cho lợn nái ngoại

            Các trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại tại Việt Nam đều sử dụng thức ăn hỗn hợp thương mại do các công ty thức ăn cung cấp, chỉ một số ít trang trại tự phối trộn thức ăn (Trần Thị Bích Ngọc, 2019).

Lợn hậu bị từ sau độ tuổi thành thục được các trang trại cho ăn hạn chế nhằm đảm bảo tốc độ sinh trưởng của lợn đạt không quá cao, tránh cho lợn quá béo trước khi phối giống. Vì tốc độ sinh trưởng cao cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất của lợn nái hậu bị và từ đó dẫn đển tỷ lệ loại thải cao ở lợn nái (Foxcroft và Aherne, 2001). Lượng thức ăn ăn vào hàng ngày của lợn nái hậu bị ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam đạt trung bình từ 2,30 đến 2,43 kg/con/ngày và 100% trang trại điều tra sử dụng thức ăn cho lợn thịt để nuôi lợn nái hậu bị ở giai đoạn nhỏ hơn 60 kg, sang giai đoạn trên 60kg đến phối giống có khá nhiều trang trại sử dụng thức ăn riêng cho lợn nái hậu bị (Trần Thị Bích Ngọc, 2019). Khác với kết quả điều tra này, Trần Quốc Việt và cs. (2013) cho biết khoảng 38,46% trang trại điều tra cho lợn nái hậu bị ăn hạn chế bắt đầu từ khi chúng đạt khối lượng từ 90 kg đến 100 kg trở lên, với mức ăn từ 1,6 kg đến 2,3 kg/con/ngày.

            Thức ăn hỗn hợp dùng cho lợn nái hậu bị ở các trang trại cả 3 miền Bắc, Trung và Nam có hàm lượng protein thô trong phẩu phần là 16,81% ở giai đoạn 30 - 60 kg và 15,14% ở giai đoạn 60 kg đến phối giống; hàm lượng lysine tổng số là 0,92% ở giai đoạn 30 - 60 kg và 0,78% ở giai đoạn 60 kg đến phối giống (Trần Thị Bích Ngọc, 2019). Khuyến cáo của Đan Mạch (Danish Pig Production, 2008) cho thấy hàm lượng protein thô trong khẩu phần là 15,0% ở giai đoạn 30 - 60kg và 14,5% ở giai đoạn 60 kg đến phối giống và tỷ lệ lysine tiêu hóa/năng lượng trao đổi ở giai đoạn 30 - 60kg và giai đoạn 60 kg đến phối giống tương ứng là 2,56 và 2,31g/Mcal. Nhìn chung, hàm lượng protein trong thức ăn hỗn hợp ở các trang trại điều tra cao hơn (trên 10%) so với khuyến cáo của Danish Pig Production (2008), tuy nhiên tỷ lệ lysine TH/ME lại thấp hơn (trên dưới 10%).

            Kết quả điều tra của Trần Thị Bích Ngọc (2019), đối với chăm sóc và nuôi dưỡng lợn nái mang thai cho biết, các trang trại điều tra thường chăm sóc lợn nái mang thai từ 2 đến 4 giai đoạn nuôi. Các trang trại ở miền Bắc có thể chia 3 hoặc 4 giai đoạn chăm sóc khác nhau, còn ở miền Trung và miền Nam phần lớn (75 - 80%) chia làm 3 giai đoạn. Thời gian nuôi lợn nái mang thai ở giai đoạn 1 và 2 ở nhóm trang trại nuôi dưỡng theo 2 giai đoạn tại miền Trung và Nam là tương tự như nhau, tương ứng 92,0 - 91,75 ngày và 21,75 - 22,25 ngày. Tuy nhiên, thời gian phân chia từng giai đoạn nuôi ở nhóm trang trại nuôi theo 3 và 4 giai đoạn là khác nhau giữa 3 miền Bắc, Trung và Nam. Như vậy, cách thức nuôi dưỡng lợn nái mang thai là khác nhau giữa các vùng miền. Lượng thức ăn ăn vào trung bình cho cả giai đoạn mang thai cao nhất ở nhóm chăn nuôi theo 4 giai đoạn (2,38 kg/con/ngày), tiếp đến theo 3 giai đoạn (2,29 kg/con/ngày) và thấp nhất ở nhóm trang trại nuôi theo 2 giai đoạn (2,09 kg/con/ngày). NRC (1998) khuyến cáo lượng thức ăn ăn vào trung bình cho cả giai đoạn lợn mang thai khoảng 1,80-1,96 kg/con/ngày, trong khi đó NRC (2012) khuyến cáo giai đoạn mang thai đầu (<90 ngày) nên ăn khoảng 2,05 - 2,21 kg/con/ngày và giai đoạn mang thai sau nên ăn 2,45 - 2,61 kg/con/ngày. Thức ăn hỗn hợp lợn mang thai ở các trang trại điều tra có hàm lượng protein thô và tỷ lệ lysine tiêu hóa/năng lượng trao đổi tương ứng là 13,81%, 1,95g/Mcal, kết quả này cao hơn so với khuyến cáo NRC (1998 và 2012), Danish Pig Production (2008) và Danbred (2010).

Đối với chăm sóc và nuôi dưỡng lợn nái nuôi con, theo kết quả điều tra của Trần Thị Bích Ngọc (2019) cho biết, các trang trại ở ba vùng (Bắc, Trung và Nam) đều cho lợn nái nuôi con con ăn cả ban ngày và ban đêm, gần 3 bữa/ngày. Tất cả các trang trại điều tra đều cho lợn nái đẻ ăn tự do và lượng thức ăn ăn vào trung bình là 4,56 kg/con/ngày. Hàm lượng protein thô và tỷ lệ lysine tiêu hóa/năng lượng trao đổi cho lợn nái đẻ, tương ứng là 16,39% và 2,32g/Mcal, kết quả này nằm trong khoảng khuyến cáo của NRC (1998 và 2012), và cao hơn so với khuyến cáo của Danish Pig Production (2008) và Danbred (2010).

            Từ kết quả trên có thể thấy hàm lượng protein thô và tỷ lệ lysine tiêu hóa/năng lượng trao đổi của lợn nái ngoại giai đoạn hậu bị, mang thai và nuôi con đối với các trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại tại Việt Nam hoặc cao hơn hoặc thấp hơn so với các khuyến cáo của NRC (1998 và 2012), Danish Pig Production (2008) và Danbred (2010), chính vì vậy gây ra hoặc lãng phí thức ăn hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho vật nuôi, dẫn đến năng suẩt sinh sản thấp hơn nhiều so với tiềm năng di truyền của chúng (số lợn con cai sữa/nái/năm trung bình đạt 22,63 con). Lượng thức ăn ăn vào của lợn nái nuôi con là 4,56kg/con/ngày, thấp hơn so với khuyến cáo của NRC (1998 và 2012), điều này sẽ làm cho khối lượng lợn con cai sữa thấp và hao hụt khối lượng của lợn mẹ tăng, dẫn đến kéo dài thời gian động dục trở lại.

3.4. Phương thức chăn nuôi

            Ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi. Năm 2011, cả nước có khoảng 4,13 triệu nong hộ chăn nuôi lợn, đến năm 2021 cả nước chỉ còn dưới 2 triệu nông hộ chăn nuôi lợn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (tiêu biểu như Tân Long, Dabaco, Masan, Trường Hải, Hòa Phát…) và nước ngoài (C.P, Japfa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill…) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi, kiểm soát dịch bệnh, đạt giá trị kinh tế cao (Cục Chăn nuôi, 2021).

Chăn nuôi lợn theo hình thức gia công gồm có chăn nuôi trang trại gia công và chăn nuôi nông hộ gia công. Chăn nuôi gia công cho các công ty, doanh nghiệp là hình thức người chăn nuôi do công ty, doanh nghiệp cung cấp và hỗ trợ về con giống, thức ăn, thuốc thú y, quy trình kỹ thuật về chăm sóc, chuồng trại…. Đặc biệt tạo sự hài hòa về lợi ích cho cả hai phía, trường hợp rủi ro cũng được các bên chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm;

            Ngoài ra còn có các phương thức chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn thực phẩm như theo quy trình VietGAHP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đều có xu hướng ngày càng tăng so với các năm trước.

3.5. Một số vấn đề tồn tại cần nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất sinh sản lợn nái

            - Ngành chăn nuôi lợn đang phát triển mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ và nuôi tập trung thiếu quy hoạch, nhất là vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường.

            - Lợn nái được chăn nuôi vào mùa nóng thường có khả năng sinh sản và năng xuất kém hơn các mùa khác trong năm. Lợn nái thường bị stress, thời gian lên giống trở lại lâu hơn, tỷ lệ đậu giảm … trại thường gặp các vấn đề về sinh sản nhiều hơn các mùa khác trong năm.

            - Sản lượng thức ăn công nghiệp cho gia súc đã đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên giá thành thức ăn còn cao và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, thiếu nghiêm trọng các nguyên liệu dùng làm thức ăn cho lợn. Do đó, cần phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn để giảm giá thành thức ăn từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.

- Tình hình sử dụng thức ăn trong chăn nuôi lợn nái của các trang trại là khác nhau và có thể cao hoặc thấp hơn các khuyến cáo (đặc biệt là tỷ lệ lysine tiêu hóa/năng lượng trao đổi) của NRC (1998 và 2012), Danish Pig Production (2008) và Danbred (2010) nên dẫn đến năng suất sinh sản và hiệu quả kinh tế chưa cao. Cần có nghiên cứu để khuyến cáo phù hợp cho các trang trại về thành phần dinh dưỡng thức ăn cho lợn nái nuôi ở từng giai đoạn phù hợp.

            - Nghiên cứu về khả năng thu nhận thức ăn, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng. Các vấn đề như: tăng số con/lứa, khối lượng lợn con sơ sinh, khối lượng lợn con cai sữa, số con cai sữa, số lứa đẻ/năm của lợn mẹ…từ đo mới làm tăng năng suất của lợn mẹ.

- Hiện nay Việt Nam đã nhập nhiều giống lợn nái và tinh lợn ngoại có chất lượng cao từ các nước Pháp, Mỹ, Canada, Thái Lan, Đài Loan, Đan Mạch và đồng thời cũng lai tạo ra các dòng, giống mới có năng suất tương đương giống ngoại nhập. Đây là các giống lợn ngoại có năng suất cao được nhập về, tuy nhiên chưa có nhiều kết quả nghiên cứu chế độ nuôi dưỡng phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở nước ta. Do đó cần nghiên cứu về nuôi dưỡng, chăm sóc lợn nái ngoại năng suất cao này.

             4. Kết luận

(1). Chăn nuôi trang trại đã phát triển trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang tồn tại với tỷ lệ lớn. Đây là nguyên nhân gây khó khăn trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.

(2). Đàn lợn nái sản xuất hiện nay đối với lợn ngoại chủ yếu là các dòng lai hoặc dòng tổng hợp được kết hợp giữa các nguồn khác nhau trong cùng giống hay lai khác giống, tiềm năng di truyền cao.

(3). Thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải nhập khẩu 70 - 80% nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân là do các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như ngũ cốc, đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia... hiện Việt Nam sản xuất không đủ hoặc do giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

(4). Cần có các nghiên cứu về nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái (đặc biệt là nái ngoại) như đảm bảo môi trường chăn nuôi, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, khuyến cáo các tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp từng giai đoạn nuôi, nâng cao năng suất nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, tăng cường phụ phẩm nông nghiệp trong khẩu phần ăn, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cục Chăn nuôi. 2019. Báo cáo hiện trạng sản xuất chăn nuôi lợn và định hướng, giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Cục Chăn nuôi. 2019. Tình hình chăn nuôi lợn, gia cầm và định hướng phát triển.

Cục Chăn nuôi. 2021. Thị trường thức ăn chăn nuôi và các biện pháp kiểm soát.

Danbred International. 2010. www.danbred.com

Danish Pig Production, 2008. Nutrient standards. www.danishpigproduction.dk.

Foxcroft, G. and Aherne, F. 2001. Rethinking Management of the Replacement Gilt. Advances in Pork Production. Volume 12, 2001. from http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/summary? doi=10.1.1.611.9109.

NRC. 1998. Nutrient Requirements of Swine. Tenth Revised Edition. Washington, DC: The National Academies Press, 1998.

NRC. 2012. Nutrient Requirements of Swine. Eleventh Revised Edition. Washington, DC: The National Academies Press, 2012.

Phạm Duy Phẩm. 2016. Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu lai tạo một số dòng lợn chuyên hóa năng suất cao phù hợp chăn nuôi công nghiệp khu vực phía bắc”. Đề tài Bộ Khoa học và Công nghệ 2012 – 2015.

Tổng cục thống kê. 2015. Thống kê chăn nuôi Việt Nam 01/10/2016. http://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/.

Tổng cục thống kê. 2016. Thống kê chăn nuôi Việt Nam 01/10/2017. http://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/.

Tổng cục thống kê. 2017. Thống kê chăn nuôi Việt Nam 01/10/2018. http://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/.

Tổng cục thống kê. 2018. Thống kê chăn nuôi Việt Nam 01/10/2019. http://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/.

Tổng cục thống kê. 2019. Thống kê chăn nuôi Việt Nam 01/01/2020. http://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/

Tổng cục thống kê. 2020. Thống kê chăn nuôi Việt Nam 01/01/2021. http://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/.

Trần Quốc Việt, Trần Thị Bích Ngọc, Lê Văn Huyên, Trần Việt Phương, sầm Văn Hải, Ninh Thị Huyền, Nguyễn Thị Hồng, 2013. Thực trạng về giống, thức ăn, chế độ nuôi dưỡng và năng suất sinh sản của lợn nái nuôi trong điều kiện trang trại và nông hộ ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Trang 57-64. Tạp chí Nông nghiệp và PTNT. Số 15-2013.

Trần Thị Bích Ngọc. 2019. Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu quy trình nuôi lợn sinh sản đạt năng suất cao”. Đề tài cấp Bộ giai đoạn 2016-2018.

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.