^Back To Top
1. Khái niệm tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Tư duy sản xuất nông nghiệp là lấy sản lượng làm mục tiêu, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nghĩa là chuyển đổi tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần (bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện ích).
Việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu đi vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, vào doanh nghiệp. Không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp, lấy tiêu chí sản lượng làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của của các hiệp hội, ngành hàng, bắt đầu tư duy làm sao để tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.
2. Tại sao cần phải đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp?
Thứ nhất: Tư duy thị trường đã bắt đầu được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm đến việc phải làm ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, từ chỗ chỉ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần. Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Thứ hai: Hiện nay sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, bền vững đã dần được hình thành một cách tự nhiên. Đó là cách thoát khỏi "lời nguyền" là nông dân thì tư duy mùa vụ, còn doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bây giờ không có khái niệm "mùa vụ" hay "thương vụ", không nghĩ ngắn hạn mà phải nghĩ dài hạn, không nghĩ cho một bên mà phải nghĩ cho cả hai bên, tức là cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Thứ ba: Nghị quyết số 19-NQ/TW khẳng định quan điểm: Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng nông dân phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.
Thứ tư: Trên thực tế, vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện ở chỗ họ trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chủ động và sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn; tích cực tham gia quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
3. Để đảm đương được vai trò này thì người nông dân cần được trang bị những gì?
Thứ nhất: Người nông dân ngày nay phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của người làm chủ - làm chủ vận mệnh của bản thân, của cộng đồng dân cư nông thôn. Nông dân và người dân nông thôn cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định.
Thứ hai: Nông dân mới trong thời kỳ hội nhập, kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư., cần phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì trông chờ ỷ lại, thu mình trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Để đạt được mục tiêu, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Thứ ba: Ngành nông nghiệp đang tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, người nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp, cũng phải được tiếp cận tư duy, kiến thức mới, công nghệ, kỹ năng mới. Trí thức hóa nông dân là yêu cầu bắt buộc.
Thứ tứ: Cùng với kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ do cha ông để lại, ngày nay người nông dân còn phải sử dụng các thiết bị thông minh, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
4. Xây dựng mối quan hệ giai cấp tại nông thôn
Xây dựng mối quan hệ giai cấp tại nông thôn theo hướng tạo nền tảng vững chắc cho củng cố hệ thống chính trị và hướng dẫn dắt người dân nâng cao năng lực làm chủ. Vừa chăm lo giảm nghèo bền vững, vừa đầu tư phát triển các nhân tố tiêu biểu, ưu trội có năng lực làm ăn kinh tế, có tinh thần cộng đồng, có tố chất dẫn dắt xã hội nông thôn, kể cả đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu làm bí thư cấp ủy cơ sở. Đó là đội ngũ những nhà nông thế hệ mới hoặc những hộ kinh doanh kinh tế nông thôn tiêu biểu.
Thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi vay vốn, tạo quỹ đất phát triển nông trại, ứng dụng khoa học-công nghệ kết hợp với phát huy giá trị tri thức địa phương, đồng thời thông qua đó tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở.
Ưu tiên đầu tư phát triển các trường đào tạo kỹ sư thực hành trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mà ở đó phải dành từ 30% đến 40% thời gian đào tạo cho xây dựng đề án và thực hành đề án để trở thành những nhà nông chuyên nghiệp. Đề án phải xác định được quỹ đất, cơ chế có được quỹ đất, mô hình tổ chức sản xuất, đầu vào, đầu ra sản phẩm, công nghệ
5. Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn là một trong những định hướng, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp “đơn giá trị” sang “đa giá trị”
Trong tư duy kinh tế nông nghiệp, ngoài việc tư duy về tối ưu hóa bài toán kinh tế thông qua tăng giá bán, giảm đầu vào, tăng chất lượng, đa dạng sản phẩm, chế biến sâu… nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng từ đó nhận lại được giá trị tăng cao hơn thì một bước phát triển cao hơn là tích hợp đa giá trị vào sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp. Một sản phẩm thông thường cả người sản xuất và người tiêu dùng hiện nay thường chú trọng vào giá trị sử dụng là yếu tố cốt lõi để tạo ra giá trị sản phẩm nhưng giá trị tăng cao này thường không quá cao. Trong khi đó, rất nhiều yếu tố tiềm năng để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thường đang không được chú trọng bao gồm các yếu tố: (1) Giá trị địa lý, địa danh, cảnh quan, vùng miền, quốc gia; (2) Giá trị tri thức, đặc biệt là tri thức bản địa và tính đổi mới sáng tạo của cộng đồng người sản xuất; (3) Giá trị lịch sử, văn hóa, ẩm thực bản địa; (4) Giá trị thương hiệu của sản phẩm, của vùng và cả quốc gia. Ngoài ra còn có các yếu tố đặc thù khác tùy thuộc vào sản phẩm và vùng sản xuất.
Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, người tiêu dùng sẽ không chỉ chi trả cho sản phẩm mà họ ăn, uống, mặc… mà còn chi trả cho các giá trị về nguồn gốc sản phẩm, bao bì, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm, các giá trị gắn liền với địa phương, địa danh, cộng đồng, tính sáng tạo, tâm linh, văn hóa và cả các chia sẻ, hỗ trợ giữa cộng đồng người tiêu dùng với cộng đồng nông dân. Tuy nhiên, chuyển từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị” là một quá trình dài hơi với xuất phát đầu tiên là thay đổi tư duy trong đánh giá và sử dụng các lợi thế so sánh trong sản xuất và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.
Một số yếu tố cơ bản đảm bảo cho “tích hợp đa giá trị” là: (1) Chất lượng sản phẩm phải ngang tầm quốc tế; (2) Người sản xuất và cộng đồng của họ phải tự hào về sản phẩm do chính họ làm ra; (3) các yếu tố có thể tạo ra giá trị cho sản phẩm phải được truyền tải đầy đủ và thu hút các câu chuyện sản phẩm; (4) người tiêu dùng sẵn sàng cho trả cao hơn cho các sản phẩm “đa giá trị” sâu với các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa và du lịch; (6) Hình thành các thương hiệu mạnh gắn với vùng, miền và thương hiệu quốc gia. Vì vậy, tích hợp “đa giá trị” là giải pháp để nông sản Việt Nam vượt qua bẫy sản phẩm “giá rẻ” và quan điểm về “nông nghiệp chất lượng thấp” trên thị trường.
6. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp
Nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Đồng thời, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc;
7. Thực hiện bằng được mục tiêu “chuẩn hóa”.
Chuẩn hóa từ giống, quy trình canh tác, nuôi trồng; chuẩn hóa quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hóa vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, mã cơ sở đóng gói; chuẩn hóa quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Chuẩn hóa quy trình thủ tục, tiến độ tiếp nhận, xử lý, giao trả hồ sơ đăng ký cấp phép, cấp giấy chứng nhận và các yêu cầu khác của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch.
Thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp thông qua việc tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Thiết kế chính sách phải phù hợp cơ chế thị trường, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, của xã hội và đối tượng thụ hưởng, đồng thời phục vụ mục tiêu hợp tác, liên kết và hình thành chuỗi ngành hàng. Triển khai chủ trương tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
8. Tập trung triển khai Chiến lược khoa học công nghệ
Huy động các viện, trường, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông có chương trình huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng làm nông mới, giá trị và kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Triển khai Chiến lược khoa học công nghệ, tập trung đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ... về với làng quê nông thôn. Đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Đó là những cơ sở nền tảng để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.