^Back To Top

Phường Văn Yên (TP Hà Tĩnh) trước đây có hàng chục ha ao hồ hoang hóa, nhiều nơi trở thành ao tù nước đọng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Thực hiện chủ trương của TP Hà Tĩnh về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế đô thị, xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, từ 2017 đến nay phường đã chủ trương cải tạo gần 7 ha ao hồ hoang hóa trên địa bàn để phát triển mô hình trồng sen. Để sản xuất SEN được thuận lợi thì việc tìm hiểu quy trình trồng và chăm sóc vô cùng quan trọng. Sau đây là quy trình sản xuất SEN được áp dụng tại phường Văn Yên.

Hiện nay, trên địa bàn phường Văn Yên chủ yếu giống SEN cao sản. SEN cao sản thích hợp với điều kiện tự nhiên nên sinh trưởng và phát triển tốt, có thời gian từ trồng đến thu hoạch gương lần 1 là 72 ngày, kích thước lá trãi, lá dù lớn đạt 53,73 cm và 60,97 cm. Hoa SEN mọc liên tục dẫn đến mật độ gương SEN /10 m2 cao với 75,60 gương; số lượng hạt chắc trên gương SEN nhiều, trung bình 29,87 hạt. Năng suất hạt thu được từ giống SEN cao sản rất cao, đạt 4,57 tấn/ha. Thời vụ trồng bắt đầu từ cuối 1/2023 dự kiến thu hoạch tháng 4/2023

1. Bón phân

* Liều lượng phân bón tính cho 01 ha, như sau:

Lượng phân bón: Vôi nông nghiệp 500 kg, phân chuồng ủ hoai mục hoặc phân vi sinh 1.000 kg, phân lân 600 kg, phân NPK (16 - 16 - 8) 400 kg.

* Cách bón:

- Bón lót: bón toàn bộ lượng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, vôi nông nghiệp, phân lân, 50 kg NPK 16 - 16 - 8.

 - Bón thúc:

+ Lần 1: 20 - 30 ngày sau khi trồng (SEN bắt đầu bén rễ hồi xanh), tiến hành làm sạch cỏ, bón 150kg NPK 16-16-8; Cách bón: bón xung quanh gốc.

+ Lần 2: 50 - 60 ngày sau trồng (cây đẻ nhánh, phát triển thân ngầm), bón 120kg NPK 16 - 16 - 8. Cách bón: rải đều khắp mặt ruộng, hồ SEN.

+ Lần 3: 75 - 85 ngày sau trồng (cây chuẩn bị ra hoa), bón 80kg NPK 16 -16 - 8. Cách bón: rải đều khắp mặt ruộng, hồ SEN.

Lưu ý: + Sau trồng chú ý nước trong ruộng. Khi thấy nước đục, xanh rêu cần thay nước trước khi bón phân thúc và điều tiết mực nước ổn định 20 - 30 cm.

+ Thường xuyên cắt tỉa lá khô, lá già, lá bị sâu bệnh hại,… để SEN quang hợp tốt hơn, ngó SEN phát triển nhiều.

+ Khi bón phân chú ý tránh làm tổn thương rễ và các nhánh SEN đang phát triển.

2. Chăm sóc 

- Thường xuyên làm sạch cỏ dại, phát dọn bờ ao, ruộng.

- Giữ ao sạch không để các nguồn nước nhiễm bẩn, các chất hóa học, thuốc BVTV chảy vào hồ SEN.

- Khi SEN được 01 tháng, phải chú ý hạn chế đi lại nhiều trong ruộng để tránh dẫm đạp lên các nhánh SEN đang phân nhánh làm gãy nhánh.

* Biện pháp quản lý sâu hại

Áp dụng tốt Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để phòng, trừ sâu hại trên cây SEN, cụ thể:

- Chăm sóc, bón phân cân đối, tăng cường phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu hại.

- Bảo vệ thiên địch và vi sinh vật có ích để khống chế sâu hại, bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV khi chưa có sâu hại hoặc sâu hại ở mức độ nhẹ.

- Dùng tay ngắt bỏ ổ trứng, đưa ra khỏi ruộng, hồ SEN

- Vệ sinh ao, hồ, ruộng trước khi trồng SEN, khi sâu hại xuất hiện phổ biến, có thể sử dụng thuốc BVTV để phun trừ, nên phun kết hợp với dầu khoáng để tăng độ bám dính. Khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để trừ sâu hại.

* Biện pháp quản lý bệnh hại

- Chọn giống sạch bệnh, trồng với mật độ hợp lý, thực hiện các biện pháp canh tác (điều chỉnh mực nước, bón vôi đầy đủ, bón phân cân đối, sử dụng phân chuồng hoai mục) giúp cây khỏe mạnh tăng khả năng chống chịu bệnh.

- Thường xuyên kiểm tra hồ SEN, nhổ, đưa cây bị bệnh ra khỏi ruộng và tiêu hủy.

- Khi bệnh nặng có thể dùng thuốc BVTV để phun phòng trừ, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc…

Hình 1. Một số hình ảnh về các giai đoạn sinh trưởng – phát triển của giống Sen cao sản

A. Cây giống, B. Cây mới trồng, C. Giai đoạn lá trãi,

D. Giai đoạn lá dù và nụ hoa đầu tiên, E. Giai đoạn hoa nở rộ, F. Giai đoạn hoa tàn

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.