^Back To Top

Theo báo cáo từ Cục thú y, từ cuối tháng 12 đến nay, trên cả nước có trên 9 tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ xuất hiện ổ dịch Long Móng Lở Mồm (LMLM) trên lợn gây chết và lây lan nhanh, cơ quan chức năng phải tiến hành khoanh vùng tiêu hủy để dập dịch. Đến nay, dịch LMLM vẫn đang bùng phát mạnh, bất thường đang khiến ngành chuyên môn và các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dập dịch. 

            Diễn biến bất thường

    Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Dịch tễ thú y (Cục Thú y) thông tin, từ đầu tháng 12/2018 đến nay, cả nước đã xảy ra 48 ổ dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở 6 tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam,Yên Bái... Tổng số gia súc mắc bệnh gần 2.400 con, chủ yếu trên lợn thịt do chưa được tiêm phòng vắc-xin LMLM. Mới đây dịch lại bùng phát trên địa bàn nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

    Cụ thể, từ ngày 8/11 đến 5/12/2018, có 261 con lợn của 19 hộ tại 6 xã huyện Ba Vì bị lở LMLM. Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2018, Cục Thú y chưa nhận được báo cáo tình hình dịch bệnh của Chi cục Thú y Hà Nội.

    Theo một số nguồn thông tin, dịch LMLM cũng xuất hiện ở một số tỉnh và đến nay có dấu hiệu tái phát trở lại:

    Bệnh lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thông tin từ Chi cục Thú y Quảng Trị ngày 2/1 cho hay, từ ngày 27 đến 29/12, đã có 25 con lợn bị bệnh LMLM ở 4 gia đình tại 3 thôn Mỹ Điền, Cam Lâm, Tiên Lai của xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Các cơ quan chức năng đã kịp thời tiến hành tiêu hủy số lợn bệnh song bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

     Liên quan tới dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), đại diện Cục Quản lý thị trường, Bộ Thương mại cho biết, trong tuần qua đã lập biên bản và tiêu hủy 8 con lợn mắc bệnh LMLM tại một lò quay ở Đồng Tháp.

    Theo tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ngãi, dịch lở mồm long móng (LMLM) tiếp tục tái phát trên địa bàn xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây và xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, với tổng số gia súc mắc bệnh là 92 con.

 

( Tiêu hủy số lợn bệnh LMLM ở thôn Tiên Lai, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: T.T)

    Ngày 4/1, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Cần Thơ kiểm tra, lập văn bản và tiêu huỷ 4 con heo nhiễm bệnh LMLM trong đàn heo 34 con của anh Huỳnh Văn Phương tại 460/17 khu vực Bình Nhật B, phường Long Hoà (Bình Thủy, Cần Thơ).

     Đồng Nai, một xã tiêu hủy gần 1.100 con lợn LMLM. Hôm qua (12/1), đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Long Thành, Đồng Nai kiểm tra 2 cơ sở chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Do và bà Nguyễn Thị Mỹ Thuận, ở xã Lộc An, Long Thành và phát hiện có gần 1.100 con lợn với trọng lượng từ 20 kg đến gần 100 kg/con, bị bệnh lở mồm long móng (LMLM).

    Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, chỉ tính từ ngày 20/12 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 800 con gia súc mắc bệnh LMLM tại 11 xã thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Dịch lây lan nhanh trên đàn lợn, làm chết, buộc phải tiêu hủy hơn 700 con, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người chăn nuôi.

(Đến thời điểm này toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiêu hủy hơn 700 con lợn)

    Theo Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 70 con lợn chết vì bệnh lở mồm long móng tại các xã Sơn Nam, Phú Lương, huyện Sơn Dương và xã Đức Ninh, Minh Dân, Hùng Đức của huyện Hàm Yên.

    Theo UBND TP Kon Tum, dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn xuất hiện từ ngày 3/1 tại một hộ dân thuộc thôn Phương Quý 1 (xã Vinh Quang) và làng Kon Tu 2 (phường Trường Chinh), sau khi các ngành chức năng tiền hành kiểm tra và lấy mẫu gửi đi cơ quan thú y vùng 6 xét nghiệm, kết quả các mẫu phẩm đều dương tính với bệnh lở mồm long móng.

    Đến sáng ngày 6/1, dịch bệnh lở mồm long móng tiếp tục xuất hiện tại các hộ chăn nuôi ở thôn 6 (xã Đoàn Kết) và tổ dân phố 4 (phường Ngô Mây). Theo thống kê, hộ có heo mắc bệnh nhiều nhất thuộc hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ngụ tại thôn Phương Quý 1 (xã Vinh Quang) với số lượng 58 con.

            Nguyên nhân

    Theo ông Long, Cục Thú y chưa nhận được báo cáo về việc đàn gia súc đã được tiêm phòng vắc-xin LMLM đầy đủ nhưng vẫn bị mắc bệnh. Nguyên nhân lây lan dịch thời gian qua là hệ thống thú y thôn ấp, xã, tỉnh, chưa nắm bắt dịch dịp thời, báo cáo muộn, khiến dịch bệnh lây lan. Qua giám sát, virus LMLM còn lây lan nhiều trong môi trường, trong khi nhiều đàn lợn chưa được tiêm phòng. Cùng với đó, thời tiết mưa rét, mầm bệnh dễ phát sinh và lây bệnh.

    Nguyên nhân khiến dịch bùng phát nhanh được xác định một phần là do người dân khi phát hiện gia súc bị bệnh tự mua thuốc về điều trị, không báo cáo ngành chức năng và gia súc “dính” bệnh hầu hết chưa được tiêm phòng vacxin đầy đủ. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch tại một số địa phương còn lơ là, thiếu sự quan tâm.

    Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. Hà Nội, cho biết, dịch LMLM năm nay, nếu như tổ chức tiêm phòng tốt thì không có vấn đề gì, nhưng nếu không tổ chức tiêm phòng, có khả năng dịch xảy ra. Theo ông Sơn, hiện có những 7 tuýp LMLM. Dịch lây lan nhanh, biến chủng, gây chết nhanh mà nhất là xảy ra ở lợn thương phẩm, ở lợn không tiêm phòng. Còn đối với đàn trâu bò, đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi lớn chú ý việc tiêm phòng thì an toàn, còn không sẽ xảy ra dịch.

    Chống dịch kiểu “trên nóng, dưới lạnh”

    Sau khi phát hiện gia súc “dính” bệnh LMLM, Chi cục Chăn nuôi – Thú y các tỉnh, thành phố đã yêu cầu các địa phương vào cuộc chống dịch, tuy nhiên tại một số huyện, xã vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nhất là chính quyền địa phương cấp xã. “Dịch bệnh đã lây lan ra hàng chục xã nhưng nhiều điểm giao cắt với đường trục xã vẫn không có chốt cảnh báo dịch; công tác vệ sinh chuồng trại nhiều hộ làm đối phó; rất nhiều gia súc trong vùng dịch vẫn chưa được tiêm phòng bao vây… Bây giờ, các huyện khẩn trương rà soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có giải pháp phù hợp; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mới phát sinh; tiến hành tiêm phòng khẩn cấp bao vây và quản lý chặt các đối tượng buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc trên địa bàn”, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh trong một cuộc thị sát vùng dịch xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên mới đây.

            Giải pháp

    Trước tiên cần tăng cường việc giám sát, phát hiện ra các mầm bệnh LMLM. Thứ hai, thực hiện điều tra nếu như phát hiện ra mầm bệnh là phải xử lý ngay. Thứ ba, tăng cường việc kiểm soát vận chuyển động vật, đặc biệt vận chuyển động vật từ nơi này sang nơi khác để tránh mầm bệnh lây lan. Thứ tư, thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ với tỉ lệ cao, số lượng tốt để tạo ra miễn dịch tổng thể giúp cho việc bảo vệ đàn vật nuôi. Cuối cùng, thông tin tuyên truyền giúp cho người chăn nuôi hiểu rõ tính chất, vai trò quan trọng cũng như các biện pháp phòng chống.

    Cục Thú y cảnh báo, nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao. Do vậy, với các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

    Ngoài ra, tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

    Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Chỉ thị số 9747/CT-BNN-TY về việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân. Trong đó, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc TƯ tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

    Tại địa phương:

    Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, chống dịch tại chỗ triển khai quyết liệt đã đành nhưng để ngăn chặn dịch lây lan diện rộng, các tỉnh, thành phố khác cũng phải “mạnh tay” chặn đường đi của gia súc bị bệnh LMLM. Nếu để lợn bệnh lọt chốt kiểm dịch như 2 vụ việc ngành chức năng Hà Tĩnh mới bắt giữ gần đây thì sẽ rất khó kiểm soát dịch triệt để.

    Tại Quảng Trị, sau khi phát hiện bệnh xảy ra trên đàn gia súc tại 3 thôn ở Vĩnh Lâm, UBND huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo xã Vĩnh Lâm khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng (LMLM) cho lợn trên địa bàn các thôn để bao vây, khống chế, dập tắt bệnh nhanh chóng, không để lây lan trên diện rộng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan.

    Theo ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh Sở NN và PTNT tỉnh đã tập trung phối hợp, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh; tiến hành lấy mẫu phẩm bệnh gửi Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương để xác định Type vi rút gây bệnh; thực hiện tiêu hủy toàn bộ lợn bị chết do mắc bệnh, khoanh vùng và triển khai phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại các chuồng trại, vệ sinh môi trường tại các hộ có lợn ốm chết và các hộ xung quanh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc tại 6 trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh. Đến nay, việc dập dịch đã cơ bản được ổn định và không phát sinh thêm dịch bệnh

    Để dập dịch hiệu quả, cần sự ra quân đồng loạt từ các cơ quan chức năng đến lãnh đạo các huyện, xã, thôn và các hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh cũng như các hộ chăn nuôi xung quanh vùng dịch./.

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.