^Back To Top
Hà Tĩnh là tỉnh có địa hình vùng núi chiếm tỷ lệ gần 70% diện tích tự nhiên, tập quán chăn nuôi trâu bò của người dân vùng núi chủ yếu chăn thả tự do trong rừng, rất khó kiểm soát và triển khai biện pháp tiêm phòng. Mặt khác, do thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là lũ lụt, mạng lưới giao thông giao lưu hàng hoá Bắc Nam, vận tải xuất, nhập khẩu, quá cảnh và luân chuyển hàng hoá nội tỉnh thuận lợi nên việc buôn bán vận chuyển gia súc rất phát triển. Đây cũng là điều kiện phát sinh và lây lan mạnh dịch bệnh cho gia súc, nhất là dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM).
Qua quá trình thu thập thông tin điều tra tình hình dịch bệnh Lở mồm Long móng trâu bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xẩy ra trong những nằm gần đây, tôi đề xuất một số giải pháp để phòng chống dịch bệnh LMLM trâu bò tại tỉnh Hà Tĩnh như sau:
Gải pháp thứ nhất: Hà Tĩnh là tỉnh chịu áp lực rất mạnh của dịch LMLM từ 3 phía (phía Bắc từ Nghệ An; phía nam từ Quảng Bình, Quảng Trị; phía Tây từ nước Lào), lại có nhiều đường quốc lộ đi qua, đặc biệt đường quốc lộ 1A, quốc lộ 8 và đường Hồ Chí Minh chạy suốt chiều dài của tỉnh là nơi vận chuyển gia súc. Mặt khác, Hà Tĩnh cũng là địa phương có dịch LMLM cả 2 type A và O nên nguy cơ xảy ra dịch rất cao. Vì vậy, việc thực hiện chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển trâu bò khi quá cảnh hay nhập cảnh trâu bò ra vào tỉnh là một biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch bệnh trên toàn tỉnh.
Giải pháp thứ hai: Việt Nam hiện nay đã xác định có sự lưu hành 3 type virus LMLM là O, A và Asia1 và từ năm 2013 tỉnh Hà Tĩnh đã xác định có sự lưu hành bởi 2 type virus là O và A. Vậy hàng năm, tỉnh Hà Tĩnh cần chủ động xây dựng kế hoạch giám sát lưu hành virus LMLM tại địa phương, định type virus để chủ động cho công tác phòng chống dịch bệnh vì Hà Tĩnh là địa phương có nhiều nguồn nguy cơ làm phát tán mầm bệnh, nguy cơ nhiễm type virus mới cao.
Giải pháp thứ 3: Hàng năm, tỉnh Hà Tĩnh cần thu thập đầy đủ các thông tin dịch tễ về bệnh để xây dựng bản đồ dịch tễ và phân tích đánh giá yếu tố nguy cơ sát với thực tế để triển khai phòng chống dịch hiệu quả.
Giải pháp thứ 4: Trong những năm gần đây, dịch bệnh LMLM trâu bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xẩy ra nhiều ổ dịch nhưng số con bệnh lại rất ít, chứng tỏ công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện rất tốt và kịp thời, ngăn ngừa được tình trạng lây lan dịch bệnh. Vì vậy, các chủ hộ cần thường xuyên giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh LMLM, báo cáo ngay với cơ quan thú y để được hỗ trợ chẩn đoán và xử lý dịch bệnh dứt điểm; việc phát hiện bệnh kịp thời, thực hiện triệt để công tác dập dịch ngay tại cơ sở và có cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi khi mắc bệnh là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng lây lan và phát dịch bệnh tại các địa phương
Giải pháp thứ 5: Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh LMLM là giải pháp tiên quyết đối với chăn nuôi trâu bò. Vắc xin LMLM tiêm cho gia súc trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải có cả 2 type O và A.
Giải pháp thứ 6: Tỷ lệ tiêm phòng vacxin LMLM trâu bò tại các địa phương hàng năm đều đạt chỉ tiêu từ 60% – 70% trở lên. Nhưng các địa phương đều không triển khai tiêm phòng bổ sung cho nên một lượng lớn trâu bò không thuộc diện tiêm trong đợt tiêm phòng chính, trâu bò mới sinh, mới nhập đàn không được tiêm phòng. Phải xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc mới nhập đàn, gia súc mới sinh, gia súc ngoài diện tiêm trong đợt tiêm phòng chính, tiêm phòng mũi 2 cho bê nghé tiêm phòng lần đầu để đảm bảo kết quả tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn, 100% so với diện tiêm ở các vùng tiêm phòng bắt buộc.
Giải pháp thứ 7: Xác định nguồn gốc con giống không rõ ràng là nguy cơ cao dẫn đến khả năng mắc bệnh và phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, nhập mới con giống cần phải được kiểm soát chặt chẽ, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng vác xin đầy đủ theo quy định, phải quy định khai báo nhập đàn cho địa phương quản lý. Đối với các chương trình dự án phát triển chăn nuôi khi nhập giống gia súc vào địa phương cần lấy mẫu đánh giá bảo hộ vắc xin sau tiêm phòng.
Giải pháp thứ 8: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy đối với các ổ dịch LMLM, trâu bò mắc bệnh sau khi hồi phục thường mang trùng khoảng 2 năm. Trâu, bò có thể nhiễm mầm bệnh thể mang trùng nhưng không có biểu hiện lâm sàng và đây là nguồn gây bùng phát các ổ dịch sau mỗi thời kỳ.Quản lý tốt gia súc mắc bệnh lâm sàng tại địa phương trong 2 năm, chuồng trại các hộ chăn nuôi có gia súc bệnh phải được kiểm soát, vệ sinh, tiêu độc đúng quy trình, giảm nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Giải pháp thứ 9: Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng toàn dân, toàn xã hội hiểu được mục tiêu quan trọng của chương trình Quốc gia khống chế bệnh LMLM, ảnh hưởng của bệnh LMLM đến năng suất, hiệu quả kinh tế chăn nuôi và hội nhập của Việt Nam với thế giới.