^Back To Top
Phát triển cây chè là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm của huyện Hương Sơn, nhiều năm qua cây chè đã mang lại nguồn thu ổn định cho những xã vùng đồi núi của huyện. Bên cạnh việc mở rộng diện tích đất trồng chè, thay thế những nương chè cằn cỗi bằng các giống chè mới có năng suất và chất lượng tốt, Xí nghiệp chè Tây Sơn còn chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu qủa kinh tế của các vùng trồng chè trong huyện.
Thu hoạch chè búp ở Xí nghiệp chè Tây Sơn
Nhằm tăng năng suất chất lượng các vườn chè những năm gần đây Xí nghiệp chè Tây đang tập trung chỉ đạo xây dựng các vườn chè theo hướng phát triển bền vững. Trong đó hướng dẫn người trồng chè chú trọng bón phân cân đối theo chu kỳ kép kín. Để người dân nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xí nghiệp đã đưa ra bàn bạc công khai với tập thể lãnh đạo, người trồng chè và với các nhà cung ứng phân bón để cùng nhau thống nhất phương án thực hiện, tránh gây hiễu lầm cho người trồng chè.Để giúp người trồng chè bón phân cân đối từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2014, cán bộ kỹ thuật xí nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện 2 đợt bón phân NPK Việt Nhật với tổng lượng phân bón từ 60-75 kg/sào. Do được bón phân từ đầu vụ xuân khi thời tiết có mưa, đất đủ ẩm nên phân bón phát huy hiệu quả cao. Cây chè có khả năng bật mầm tốt, cho búp đều, đẹp. Sử dụng phân bón NPK theo quy trình khép kín giúp cho cây chè phát triển cân đối về bộ rễ, thân lá; tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi. Đặc biệt số lượng búp xòe ít, búp vươn dài, mật độ búp nhiều, trọng lượng búp nặng, phiến lá dầy, chất lượng tốt.
Việc triển khai thực hiện trồng chè sạch theo hướng sử dụng NPK khép kín đã có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tập quán canh tác chè theo hướng truyền thống sang thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm mang lại năng suất, chất lượng cao. Từ kết quả này xí nghiệp chè Tây Sơn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chăm sóc thâm canh cây chè theo hướng an toàn nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, với mục đích đảm bảo an toàn cho thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và bảo vệ môi trường.