^Back To Top

MỐI QUAN HỆ GIỮA NĂNG LƯỢNG TRAO ĐỔI

 VÀ PROTEIN THÔ ĐỐI VỚI GÀ THỊT

                                       TS.Võ Văn Hùng - Giảng viên Trường ĐH Hà Tĩnh

 

Năng lượng và protein có mối tương quan nhất định. Khi thiếu năng lượng trao đổi, cơ thể sẽ phân giải protein để cung cấp năng lượng, do đó, hệ số chuyển hóa thức ăn cho đơn vị sản phẩm (FCR) tăng lên. Khi thừa năng lượng trao đổi, cơ thể sẽ tăng cường tích lũy mỡ (Từ Quang Hiển, Phan Đình Thắm, 2002 [2]). Gia cầm nuôi thịt chỉ có thể tăng khối lượng ở mức cao khi tỷ lệ giữa năng lượng trao đổi (ME) và protein thô (CP) nằm trong khả năng tự điều chỉnh của chúng. Vì vậy, tỷ lệ ME/CP (kcal/CP%) trong thức ăn quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng lớn đến tăng khối lượng, sử dụng các chất dinh dưỡng của thức ăn và chất lượng sản phẩm (Jackson và cs., 1982 - dẫn từ Từ Quang Hiển và cs, 2013 [1]).

Khi mức năng lượng ăn vào cao, khoảng 85% năng lượng tích lũy trong mỡ và 15% năng lượng dự trữ trong protein. Khi mức năng lượng ăn vào thấp, một lượng mỡ cơ thể được huy động, trong khi protein được tích lũy (Boekholt và cs., 1994 - dẫn từ Nguyễn Đức Hưng, 2006 [3]). Gà sinh trưởng tốt với mức năng lượng trao đổi 2.800 kcal/kg thức ăn và mức protein 23%, 22%, 18% ứng với giai đoạn khởi động, sinh trưởng và kết thúc. Khi tăng năng lượng trong khẩu phần sẽ làm tăng lượng mỡ. Khi tăng protein khẩu phần sẽ làm tăng tỷ lệ nước và protein trong thịt nhưng làm giảm lượng mỡ và năng lượng trong thịt (Baghel, Pradhan (1989) [4]).

Tỷ lệ ME/CP tăng dần theo giai đoạn phát triển của gà. Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ này thường thấp vì mật độ ME thấp và % CP lại cao so với giai đoạn sau; ngược lại, giai đoạn sau mật độ ME tăng lên nhưng % CP lại giảm trong khẩu phần so với giai đoạn trước. Nhìn chung, yêu cầu mật độ dinh dưỡng cho gà thịt ở giai đoạn trước vẫn cao hơn giai đoạn sau trong khẩu phần. Kamran và cs. (2008) [6] khẳng định rằng, nuôi gà thịt khẩu phần có CP thấp với tỷ lệ ME/CP không đổi đã ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng. Từ Quang Hiển và cs. (2013) [1] cho biết, các nước thường quy định tỷ lệ ME/CP trong thức ăn (TĂ) (kcal/CP%) vào khoảng 130 - 150 cho gà thịt giai đoạn đầu và 160 - 170 vào giai đoạn sau (nuôi theo 2 giai đoạn). Còn NRC (1994) [10] thì khuyến cáo, tỷ lệ ME/CP (kcal/CP%) trong thức ăn của gà thịt để tăng khối lượng trung bình giai đoạn khởi động là: 139 (ME: 3.200 kcal/kg TĂ; CP: 23%); giai đoạn sinh trưởng là: 160 (ME: 3.200 kcal/kg TĂ; CP: 20%); giai đoạn kết thúc là: 178 (ME: 3.200 kcal/kg TĂ; CP: 18%). Hãng Ross broiler, 2009 (dẫn từ Từ Quang Hiển và cs., 2013 [1] ) khuyến cáo tỷ lệ ME/CP (kcal/CP%) trong thức ăn của gà thịt để tăng khối lượng cao giai đoạn khởi động là: 138 - 121 (ME: 3.025 kcal/kg TĂ; CP: 22 - 25%); giai đoạn sinh trưởng là: 149 - 136 (ME: 3.125 kcal/kg TĂ; CP: 21 - 23%); giai đoạn kết thúc là: 168 - 152 (ME: 3.200 kcal/kg TĂ; CP: 19 - 21%).

Thời gian gần đây, nhiều tác giả cũng đã nghiên cứu về ME và CP cho các đối tượng gà khác nhau: Mbajiorgu và cs. (2011) [8] đã nghiên cứu trên gà Venda bản địa và thấy rằng, tỷ lệ ME/CP 62 MJ ME/kg protein (tương đương 148 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho lượng ăn vào và sinh trưởng; ME/CP 63 MJ ME/kg protein (tương đương 150 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho FCR giai đoạn 1 - 42 ngày tuổi; ME/CP 60 MJ ME/kg protein (tương đương 143,6 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho sinh trưởng và FCR của gà trống giai đoạn 43 - 91 ngày tuổi; tuy nhiên, ME/CP: 62 MJ ME/kg CP (tương đương 148 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho lượng ăn vào của gà trống giai đoạn 43 - 91 ngày tuổi. Kết quả khẳng định, ME/CP: 62 MJ ME/kg CP (tương đương 148 kcal ME/1% CP) là tối ưu cho lượng ăn vào mà không phân biệt lứa tuổi và tính  biệt của gà. Moosavi và cs. (2012) [9] đã nghiên cứu trên gà Ross 308 và kết luận nuôi gà thịt ME thấp và CP thấp đã giảm sự tăng trưởng, nhưng chỉ tiêu thịt không bị ảnh hưởng. Haunshi  và cs. (2012) [5] đã nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng năng lượng trao đổi (ME) và hàm lượng protein thô (CP) khác nhau trên gà Aseel giai đoạn 1 - 56 ngày tuổi. Nghiên cứu kết luận rằng, việc cung cấp ME 2.600 kcal/kg và 16% CP sẽ là lý tưởng cho sự phát triển tối ưu của gà trong giai đoạn này. Tuy nhiên, để có được FCR tốt hơn, chế độ dinh dưỡng khẩu phần ME 2.800 kcal/kg và 16% CP sẽ là lý tưởng. Lqbal Z. và cs. (2014) [7] đã nghiên cứu và kết luận rằng, tiêu thụ thức ăn của gà broiler giảm, trong khi đó FCR được cải thiện khi mật độ dinh dưỡng khẩu phần tăng lên. CP và ME có thể giảm tương ứng tới 19,3% và 2.771 kcal/kg thức ăn, mà không làm giảm khả năng sản xuất của gà thịt (tăng khối lượng, chất lượng thịt).

Như vậy, có khá nhiều tác giả quan tâm đến mối quan hệ giữa ME và CP đối với gà thịt. Nếu chúng ta vận dụng tốt các kiến thức này, sẽ góp phần chăn nuôi gà thịt có hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Tài liệu Tiếng Việt:

  1. Từ Quang Hiển, Trần Văn Phùng, Phan Đình Thắm, Trần Thanh Vân, Từ  Trung Kiên (2013), Dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi - Tài liệu dùng cho đào tạo Tiến sĩ, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
  2. Từ Quang Hiển, Phan Đình Thắm (2002), Giáo trình thức ăn và dinh dưỡng động vật - hệ cao học, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
  3. Nguyễn Đức Hưng (2006), Giáo trình Chăn nuôi gia cầm, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.

II. Tài liệu Tiếng Anh:

  1. Baghel R. D., Bradhan K. S. (1989), "Influence of energy, proteine and limiting amino acid levels on live weight, meats yield and processing losses in broiler during cold season", Indian J. Nutr., Vol. 6, No. 3, pp. 255 - 258.
  2. Haunshi S., Panda A. K., Rajkumar U., Padhi M. K., Niranjan M., Chatterjee R. N., (2012), "Effect of feeding different levels of energy and protein on performance of Aseel breed of chicken during juvenile phase", US National Library of Medicine National Institutes of Health, Trop. Anim. Health Prod., Vol. 44, pp. 1653 - 1658.
  3. Kamran Z., Sarwar M., Nisa M., Nadeem M. A., Mahmood S., Babar M. E., Ahmed S. (2008), "Effect of low-protein diets having constant energy-to-protein ratio on performance and carcass characteristics of broiler chickens from one to thirty-five days of age", US National Library of Medicine National Institutes of Health, Poult. Sci., 2008 Mar, pp. 468 - 474.
  4.  Lqbal Z., Mughal A., Kamran Z., Ali A., Ahsan U. (2014), "Effect of constant ME:CP at different levels of CP and ME on growth performance and meat characteristics of broilers from 1-28 days", Archiva Zootechnica, Vol. 17, No. 2, pp. 43 - 53.
  5. Mbajiorgu C. A., Ng'ambi J. W., Norris D. (2011), "Effect of varying dietary energy to protein ration level on growth and productivity of indigenous Venda chickens", Asian Journal of Animal and Veterinary Advances, Vol. 6, No. 4, pp. 344 - 352.
  6. Moosavi M., Chaji boujarpour M., Rahimnahal S., Kazemi A. R. (2012), "Effect of different levels of energy and protein with constant ratio on performance and carcass characteristics in broiler chickens", International Research Journal of Applied and Basic Sciences, Vol. 3, No. 12, pp. 2485 - 2488
  7.  NRC - National Reseach Council (1994), Nutrition requerements of poultry, 9th revised adition, National Academy press, Washington D.C.

 

 

 

 

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.