^Back To Top

Tình hình chăn nuôi bò tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ và hình thức chăn nuôi còn mang tích chất tự phát, việc phối giống chủ yếu bằng hình thức cho giao phối tự nhiên, gây ra nhiều rủi ro trong việc lây truyền các bệnh, khó kiểm soát được chất lượng con giống; khoảng cách giữa các lứa đẻ kéo dài, các bệnh rối loạn sinh sản và hiện tượng chậm sinh xảy ra trên đàn bò sinh sàn vẫn còn rất phổ biến; việc chăm sóc nuôi dưỡng bê sau sinh và bò cái sau đẻ chưa phù hợp, thời gian bò cái nuôi con và bê bú sữa còn kéo dài, việc tập ăn cho bê sau sinh còn thực hiện muộn; đây là những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển đàn bò và là hạn chế để ngành chăn nuôi bò chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

1. Thực trạng tình hình chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển ngành chăn nuôi, tập trung vào các đối tượng con vật nuôi chủ lực là trâu, bò, lợn; tích cực chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính; nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất như bò lai Sind, bò 3B (Blanc – Blue – Belgium), bò Zebu, bò Brahman,... góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành chăn nuôi, nâng cao thu nhập và đời sống người chăn nuôi (Báo cáo Đánh giá tổng kết ngành NN&PTNT - Chi cục Chăn nuôi thú y Hà Tĩnh năm 2022).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh còn một số hạn chế như chăn nuôi trâu bò chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư còn chiếm tỷ trọng lớn (trên 80% tổng đàn); cơ cấu đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh còn bất hợp lý; chăn nuôi trâu bò chưa được chú trọng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 là 106.640 tấn; trong đó của bò là 9.650 tấn, trâu là 3.600 tấn, lợn 68.308 tấn, gia cầm là 25.082 tấn; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng mới bằng 9,05,% tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm toàn tỉnh; chất lượng và sức cạnh tranh của thịt bò chưa cao. Mặt khác, đối tượng vật nuôi chủ lực hiện nay của tỉnh là chăn nuôi lợn và gia cầm, dẫn đến mất cân đối về nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong tỉnh và cả nước (Tổng cục thống kê, 2022)

Chăn nuôi bò ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay thực hiện chủ yếu là vỗ béo bò để giết thịt, hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò sinh sản còn chưa được quan tâm. Bò sinh sản thường được nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, bê sau sinh theo mẹ đến chu kỳ sinh sản tiếp theo, thời gian cai sữa cho bê kéo dài trung bình 12 tháng. Việc cai sữa và tập ăn muộn cho bê đã làm ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi: đàn bê sau cai sữa sinh trưởng chậm, thời gian động dục trở lại của bò mẹ muôn nên, khoảng cách lứa đẻ dài.

2. Giải pháp nâng cao khả năng sinh sản và phát triển đàn bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Từ thực trạng chăn nuôi bò của tỉnh Hà Tĩnh, thấy rằng: cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đàn trâu bò của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo thu nhập cho người dân. Một trong các giải pháp đó là:

2.1. Lựa chọn tinh bò chất lượng cao, phù hợp nhằm cải tạo tầm vóc đàn bò địa phương

 Nghiên cứu lựa chọn tinh bò của các giống có năng suất chất lượng cao, phù hợp để cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò nền tại các địa phương như tinh của các giống bò  Sind, Zebu, 3B hay Brahman.

Chương trình Sind hóa đàn bò là chương trình lai cấp tiến giữa bò đực Sind đỏ với bò cái vàng. Kết quả của chương trình này đã nâng cao tầm vóc của bò. Lúc trưởng thành, bò đực lai Sind có khối lượng 320 - 440 kg/con và con cái là 250 - 300 kg/con. Bò lai Sind là nguồn vật liệu ban đầu cho công tác lai tạo bò hướng sữa hoặc hướng thịt của nước ta.

Tại Việt Nam, thực tế quá trình nuôi bò 3B đã cho thấy giống bò này có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng thịt và hiệu quả kinh tế cao. Thời gian nuôi bò 3B từ 12 – 15 tháng là có thể xuất bán. Trọng lượng mỗi con bò 3B thời điểm xuất bán giao động từ 500 – 600kg/con (Nguyễn Xuân Trạch và cs, 2021).

2.2. Ứng dụng công nghệ các Hormone để xử lý sinh sản trên đàn bò

Hiện nay, trên thế giới thực hiện khá phổ biến ứng dụng công nghệ các hormone Prostaglandin (PGF) và hormone Gonadotropin Releasing Hormone (GnRH) để xử lý sinh sản như gây động dục chủ động và xử lý sinh sản các hiên tượng chậm sinh trên đàn bò, cụ thể như các trường hợp như: gây động dục đồng loạt, u nang buồng trứng, buồng trứng kém phát triển, biểu hiện động dục yếu, thể vàng tồn lưu, phối giống nhiều lần không đậu thai, viêm nội mạc tử cung.

Hiện nay ở trên thế giới và Việt Nam đang ứng dụng các phương pháp để xử lý sinh sản (XLSS) trên đàn bò như sau:

Phương pháp 1. Gây động dục hàng loạt và phối giống chủ động

Theo kết quả nghiên cứu của Ted G. Dyer và Cs (2017), ngày đầu tiên tiêm GnRH giúp phát triển nang trứng mới. Từ ngày thứ 3 - 9 sau đó tiến hành quan sát bò, nếu có biểu hiện động dục thì tiến hành phối giống và dừng phác đồ. Nếu bò chưa đông dục tiêm PGF vào ngày thứ 7 để gây ra sự thoái hóa của thể vàng và tiêm GnRH lần thứ hai vào ngày thứ 9 để đồng bộ hóa thời gian rụng trứng của nang trứng thông qua kích thích buồng trứng tăng tiết LH. Đến ngày thứ 10 tiến hành phối giống cố định cho bò sau 24h tiêm GnRH lần 2 mà không cần quan sát động dục. Ưu điểm của phương này là kiểm soát động dục và chất lượng trứng tốt.

Phương pháp 2. XLSS bò phối nhiều lần không chửa, biểu hiện động dục yếu

Trần Văn Vũ và Cs (2017), ngoài GnRH và PGF như ở phương pháp 1 sử dụng thêm vòng tẩm progesterone đặt âm đạo (CIRD) trong thời gian 7 ngày từ sau khi tiêm GnRH lần 1 và dùng thêm 1 liều PGF bổ sung khi rút vòng (CIRD để phá thể vàng nếu có). Sau đó tiến hành theo dõi động dục để phối giống. Đến ngày thứ 9 nếu bò không có biểu hiện động dục thì tiến hành tiêm GnRH lần thứ 2 và phối giống cố định vào ngày thứ 10 mà không cần theo dõi động dục.

Phương pháp 3. XLSS bò thể vàng tồn lưu đối với bò tơ và bò lứa ≥ 1  

Đối với bò sau khi xác định có thể vàng tồn lưu tiêm PGF ở ngày thứ nhất sau đó theo dõi động dục từ ngày thứ 2, nếu bò động dục thì cho phối giống. Nếu bò không động dục, ngày thứ 11 hoặc ngày thứ 14 tiêm PGF liều 2 và theo dõi động dục ở ngày 13 hoặc ngày thứ 16, nếu bò động dục thì cho phối bình thường, thời điểm phối giống  sau 48 giờ, sau đó tiến hành khám thai ở ngày  thứ 45. Phương pháp tiêm hai mũi PGF là tạo được chu kì mới, thời gian từ lúc tiêm PGF tới lúc có biểu hiện động dục dao động lớn (Nguyễn Thị Thúy và Cs, 2015).

Phương pháp 4. XLSS bò u nang buồng trứng, buồng trứng kém phát triển, buồng trứng không hoạt động

Bò u nang buồng trứng, buồng trứng kém phát triển, buồng trứng không hoạt động, ngày 0 tiêm GnRH, ngày 7 tiêm PGF2α, ngày 10 và ngày 17 tiêm GnRH, sau đó sử dụng thêm vòng tẩm progesterone đặt âm đạo, ngày 24 tiêm PGF2α và quan sát động dục và phối giống. Sau đó 56 tiếng (tức ngày 27) nếu bò không động dục tiêm GnRH và phối cố định sau đó 16 - 20 tiếng (Nguyễn Thị Thúy và Cs, 2015).

Phương pháp 5. XLSS vời bò bị viêm nội mạc tử cung

Bò bị viêm nội mạc tử cung, ngày 0 tiêm GnRH, ngày 14 tiêm PGF2α, ngày 28 tiêm GnRH và sử dụng thêm vòng tẩm progesterone đặt âm đạo, sau đó ngày 35 tiêm PGF2α và quan sát động dục và phối giống. Nếu bò không động dục tiêm GnRH và phối cố định sau đó 16 - 20 tiếng (Nguyễn Thị Thúy và Cs, 2015).

2.3. Thụ tinh nhân tạo chủ động trên đàn bò

Việc phối giống đàn bò sinh sản trong các hộ chăn nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay chủ yếu vẫn mang tính tự phát, phối giống chủ yếu bằng hình thức cho giao phối tự nhiên, gây ra nhiều rủi ro trong lây truyền các bệnh và khó kiểm soát được chất lượng con giống.

Vì vậy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thụ tinh nhân tạo cho bò cái sinh sản nhằm cải tạo tầm vóc đàn bò, nâng cao trọng lượng, tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường giao phối tự nhiên. Sau khi phối giống, để đánh giá khả năng mang thai, thì việc tiên hành khám thai bằng phương pháp khám qua trực tràng cho bò 45 - 60 ngày kể từ khi thụ tinh nhân tạo. Từ kết quả khám thai và theo dõi khả năng sinh trưởng của bò mẹ, là cơ sở cho việc thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo sự phát triển của bào thai và cơ thể bò mẹ.

2.4. Chăm sóc, nuôi dưỡng bê sau sinh và bò cái sau đẻ

a. Chăm sóc, nuôi dưỡng bê sau sinh

Chăn nuôi bê sau sinh theo mẹ của người dân tại các địa phương vẫn mang tính tự nhiên, bê sau sinh theo mẹ đến chu kỳ sinh sản tiếp theo,việc cai sữa và tập ăn muộn cho bê đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn bò qua đó làm giảm hiệu quả chăn nuôi trâu bò của người chăn nuôi.

Để khắc phục thực trạng đó, qua kết quả điều tra và đánh giá quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng cho bê sau sinh như: cho bê bú sữa đầu trong vòng 1 giờ sau sinh; bê lai sơ sinh có trong lượng trung bình từ 27 – 32kg; tập ăn sớm cho bê vào ngày 10 – 15 sau sinh; cai sữa sớm cho bê vào tháng 4 – 5 sau sinh; bò lai lớn nhanh, bình quân mỗi ngày (cả chu kỳ) tăng trọng 1kg; tiêu tốn thức ăn tinh cho bê 1,5kg/con/ngày và thức ăn thô xanh sử dụng nguồn sắn có tại địa phương (Nguyễn Xuân Trạch và Cs, 2021). Do khu hệ vi sinh vật dạ cỏ phát triển chưa hoàn chỉnh, khả năng tận dụng  thức ăn thô xanh của bê còn hạn chế, càng về sau bê càng bị khủng hoảng dinh dưỡng. Do vậy, khi nuôi bê sau sinh nên tiến hành phân thời gian nuôi bê theo từng giai đoạn phát triển để bổ sung thức ăn đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của stress và tạo điều kiện cho bê phát triển tốt.

b. Chăm sóc và nuôi dưỡng bò cái sau đẻ

Chăm sóc và nuôi dưỡng cho bò cái sau sinh không đảm bảo kỹ thuật là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa, khả năng phục hồi cơ quan sinh sản, khả năng động dục lại, dẫn tới các bệnh chậm sinh và mất khả năng sinh sản.

Tiêu chuẩn thức ăn cho bò cái sau sinh giai đoạn này thức ăn tinh 1 – 1,5 kg/con/ngày, muối ăn 25 – 30g/con/ngày, bột xương 30 – 40g/con/ngày và phải có đủ cỏ non xanh ăn tại chuồng, tiêu tốn thức ăn thô xanh trung bình 35 - 40 kg/con/ngày (Nguyễn Xuân Trạch và Cs, 2021).

 

 

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.