(Bài đăng trên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Số 11 (2022), trang 48 – 50)

Chuyển đổi số sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức tiềm năng đối với tài nguyên và môi trường. Hiện chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục về tác động môi trường gián tiếp (tích cực) có thể lớn hơn tác động trực tiếp (tiêu cực) do chuyển đổi số gây ra hay không. Tuy nhiên, để có những bằng chứng thuyết phục và hạn chế được tác động tiêu cực, cần có các nghiên cứu để hiểu biết về các công nghệ trong chuyển đổi số liên quan đến nhu cầu tài nguyên và tác động môi trường của chúng. Song song với quá trình chuyển đổi số cần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao kiến thức, thái độ, tăng cường năng lực của người tiêu dùng liên quan đến việc lựa chọn hàng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) một cách bền vững và xây dựng các chính sách, luật pháp, thể chế để có thể giúp định hình chuyển đổi số và kinh tế số bền vững ở tất cả các cấp quản trị.

Sự gia tăng số hóa, tự động hóa, các quy trình thông minh và tính liên kết toàn cầu là một số động lực định hình lại cách con người suy nghĩ, làm việc, học hỏi, tổ chức trong xã hội. Những động lực này sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người sống, làm việc và ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nguồn nhân lực ngày nay. Kèm theo đó, việc sử dụng ngày càng nhiều CNTT-TT trong sản xuất công nghiệp, những rủi ro và cơ hội của những công nghệ này đối với tính bền vững của môi trường cũng như nhận thức chính trị về những rủi ro và cơ hội này ngày càng trở nên quan trọng.

Chuyển đổi số sẽ bao gồm việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ phần cứng (sản phẩm cuối cùng của CNTT-TT, trung tâm dữ liệu, mạng truyền dữ liệu) cũng như phần mềm, công nghệ kỹ thuật số và các ứng dụng - từ robot, Internet vạn vật (IoT), thông qua các công nghệ sổ cái phân tán như blockchain, cho đến trí tuệ nhân tạo (AI). Vì vậy, công nghiệp 4.0 cũng có thể có những tác động tiêu cực đến môi trường. Chẳng hạn như sự lỗi thời của kỹ thuật số, khóa công nghệ và nhu cầu năng lượng và các dòng chất thải phát sinh từ quá trình chuyển đổi số. Theo nghiên cứu của Liu và cộng sự (2019) về tác động của chuyển đổi số đến tài nguyên và môi trường (TN&MT), trọng tâm tập trung các khía cạnh phi năng lượng và không liên quan đến khí nhà kính (KNK). Nghiên cứu đã tổng hợp các cơ hội môi trường và áp lực môi trường liên quan đến chuyển đổi số.

Tác động tích cực của chuyển đổi số tới tài nguyên và môi trường

Thúc đẩy ngành công nghiệp vì một nền kinh tế sạch và tuần hoàn: Các cơ hội môi trường (phi năng lượng) phát sinh từ quá trình chuyển đổi số có thể đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ với nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt đối với việc giải quyết vấn đề rác thải điện tử. Quan trọng nhất, tiến bộ công nghệ đóng một vai trò trong việc thu gom và tái chế rác thải điện tử tốt hơn và tái sử dụng các vật liệu đã sử dụng. Ví dụ, sự tiến bộ trong công nghệ, cụ thể là sự ra đời của điện thoại thông minh và các ứng dụng di động khuyến khích người tiêu dùng tái chế rác thải điện tử tại các địa điểm chính thức để đổi lấy các động lực tài chính.

Bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học: Công nghệ kỹ thuật số có thể giúp giảm bớt áp lực lên môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học ở nhiều khía cạnh. Các giải pháp hỗ trợ CNTT-TT giúp giám sát đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. CNTT-TT cũng có thể giúp trực quan hóa và truyền đạt dữ liệu sinh học, do đó nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính sách. Kỹ thuật số có thể hỗ trợ các mô hình kinh doanh thân thiện với đa dạng sinh học làm cho các mô hình kinh doanh trở nên khả thi nhằm ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học hoặc hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, chẳng hạn như thông qua việc thúc đẩy phi vật chất hóa hoặc giảm nhu cầu tài nguyên thông qua các hoạt động chia sẻ.

Từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork) (hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường): Một số đánh giá tác động môi trường của canh tác thông minh đã đưa ra bằng chứng về việc giảm sử dụng nước, sử dụng thuốc trừ sâu và phát thải khí N2O. Bên cạnh đó, nông nghiệp thông minh liên quan đến việc tăng cường truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp và chuỗi cung ứng thực phẩm, tăng cường lợi ích kinh tế và lợi ích liên quan đến quản lý rủi ro và an toàn thực phẩm.

Kỳ vọng về một môi trường không có chất độc hại: Liên quan đến giảm ô nhiễm, các cơ hội môi trường phi năng lượng cũng có thể phù hợp, đặc biệt là khi giải quyết vấn đề giảm ô nhiễm không khí. Các loại công nghệ đóng góp quan trọng nhất về mặt này là AI và blockchain. Các công cụ dựa trên AI đã được triển khai để theo dõi và dự báo mức độ ô nhiễm hoặc cho các phương tiện tự lái và đèn giao thông. Mặt khác, công nghệ blockchain có thể được sử dụng cho các hệ thống dựa trên phần thưởng nhằm thưởng cho những người giảm thiểu ô nhiễm bằng phần thưởng kỹ thuật số, có thể được đổi lấy các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Các khía cạnh khác: Chuyển đổi số mang lại những tiềm năng cải thiện thông tin và kiến thức về môi trường, các chính sách môi trường được đổi mới theo hướng bền vững hơn; Chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho các chính sách truy cập mở và dữ liệu mở, bao gồm việc cung cấp dữ liệu của chính phủ (dữ liệu mở) và dữ liệu khoa học (truy cập mở), tạo sự phát triển của các nền tảng chia sẻ dữ liệu, hoặc “hệ sinh thái kỹ thuật số cho môi trường” nhằm cung cấp dữ liệu sẵn có cho các chính sách môi trường và đổi mới ở cấp độ toàn cầu; Các công nghệ mới cũng được coi là cung cấp các cơ hội mới để thực hiện và thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn môi trường; Các thông tin tốt hơn về chuỗi cung ứng, chi phí môi trường của sản phẩm (ví dụ như mã QR), dịch vụ hoặc dòng đầu tư có thể giúp người tiêu dùng đưa ra các quyết định bền vững hơn. Các dự án khoa học công dân được nối mạng xuyên quốc gia mang lại cơ hội mới cho nhận thức về môi trường và hiểu được sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu.

Tác động tiêu cực của chuyển đổi số đến tài nguyên và môi trường

Những người ủng hộ chuyển đổi số thường xuyên nhấn mạnh tiềm năng cho phép của nó để giải quyết các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, dựa trên phân tích các tài liệu liên quan, vẫn chưa rõ liệu các tác động môi trường gián tiếp (tích cực) có thể lớn hơn tác động trực tiếp tiêu cực hay không. Cũng theo nghiên cứu của Liu và cộng sự (2019), các nội dung sau đây tóm tắt các áp lực môi trường liên quan đến quá trình chuyển đổi số.

Tác động trực tiếp đến tài nguyên: Việc khai thác và chiết xuất các nguyên liệu thô (ví dụ: coban, palađi, tantali, bạc, vàng, indium, đồng, lithium và magie) cũng như sản xuất các thành phần vi điện tử, đặc biệt là các mạch tích hợp, là những yếu tố đóng góp chính cho cạn kiệt tài nguyên hóa thạch cũng như cạn kiệt tài nguyên phi sinh học, trái đất nóng lên, phú dưỡng nước ngọt, chua hóa đất, nhiễm độc con người, nhiễm độc nước ngọt, nhiễm độc biển và gây độc môi trường đất.

Tác động trực tiếp đến đa dạng sinh học và sử dụng đất cũng như thay đổi sử dụng đất: Các tác động chính do việc khai thác tài nguyên thiên nhiên cần thiết để sản xuất phần cứng, từ việc thải ra các vật liệu độc hại (như kim loại nặng, khói độc, nước rỉ axit) liên quan đến quá trình khai thác nguyên liệu thô, cũng như từ việc thu gom, tái chế không phù hợp và xử lý chất thải thiết bị điện và điện tử. Các tác động môi trường của việc phát điện (ví dụ như phát thải KNK) cũng có thể bao gồm các tác động đến đa dạng sinh học. Tác động của cáp truyền dữ liệu dưới nước đối với các loài sinh vật dưới nước...

Tác động gián tiếp và mang tính hệ thống đến môi trường: Không thể cho rằng chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích về tài nguyên, năng lượng hoặc các lợi ích môi trường khác. Cần có một cách tiếp cận tổng thể để hiểu đúng các tác động và đạt được kết quả tốt. Điều này không chỉ yêu cầu xem xét giai đoạn sử dụng, mà còn cả giai đoạn sản xuất và giai đoạn cuối vòng đời; không chỉ tập trung vào thiết bị CNTT, mà còn tập trung vào cơ sở hạ tầng cần thiết; không chỉ đo lượng khí thải các bon, mà còn các tác động khác; không chỉ thừa nhận các tác động trực tiếp mà còn gián tiếp và mang tính hệ thống, bao gồm các hình thức khuyến khích của các mô hình kinh doanh số. Chuyển đổi số không thể bền vững nếu nó không được điều chỉnh theo cách giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường của nó. Để thúc đẩy chuyển đổi số theo hướng bền vững hơn, điều bắt buộc là hiệu quả đạt được phải bù đắp được phần gia tăng tiêu thụ năng lượng và tài nguyên do tăng trưởng kinh tế gây ra.

Các chính sách bảo vệ môi trường liên quan đến chuyển đổi số

Kunkel và cộng sự (2020) đã phân tích các chính sách về chuyển đổi số, công nghiệp của 4 quốc gia châu Phi cận Sahara (Nam Phi, Rwanda, Kenya, Nigeria) và 3 quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương (Trung Quốc, Thái Lan, Philippin) liên quan đến kỳ vọng của họ về tác động của CNTT-TT trong ngành công nghiệp vì sự bền vững của môi trường cho thấy rằng, các chính sách thể hiện một loạt các kỳ vọng không rõ ràng, tập trung nhiều hơn vào các tác động gián tiếp tích cực của việc sử dụng CNTT-TT (để nâng cao hiệu quả năng lượng và quản lý tài nguyên, hơn là về các tác động tiêu cực trực tiếp của CNTT-TT; tiêu thụ điện của CNTT-TT). Hơn nữa, kỳ vọng khác nhau giữa các quốc gia và không có chủ đề chung nào xuất hiện trong tất cả các chính sách.

Nghiên cứu khai phá tiềm năng của nền công nghiệp 4.0 đến môi trường, Berg và cộng sự (2021) cho rằng, nếu không có công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế tuần hoàn sẽ không thể được nhân rộng, đặc biệt là không có trong thế giới kỹ thuật số. Đồng thời, Công nghiệp 4.0 mà không tập trung rõ ràng vào một nền kinh tế tuần hoàn thực sự là một mối nguy hiểm đối với các mục tiêu bảo vệ khí hậu và giảm thiểu tác động. Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

Tại Việt Nam, so với Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) trước đây, điểm mới trong Luật BVMT năm 2020 của Việt Nam đã bổ sung quy định về kinh tế tuần hoàn và quy định Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thông tin môi trường, hướng tới phát triển nền tảng số, kinh tế số về môi trường.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn đến 2030 là: quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Tạo thế chủ động, hiệu lực, hiệu quả trong: quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Ngày 23/9/2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 2452/QĐ-BTNMT về Kế hoạch truyền thông ngày Chuyển đổi số quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mục đích của kế hoạch là Tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức viên chức, người lao động của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước trên tinh thần “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành tài nguyên và môi trường.

 Các văn bản chính sách ban hành là bước đi kịp thời nhằm thích ứng với nền kinh tế số. Tuy nhiên, trong các chính sách BVMT của Việt Nam chưa đề cập đến các nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến phòng ngừa, giảm nhẹ tác động tiêu cực đến môi trường do quá trình chuyển đổi số gây ra.

Một số định hướng và giải pháp giúp cho quá trình chuyển đổi số bền vững

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của chuyển đổi số đến TN&MT và giúp cho quá trình chuyển đổi số một cách bền vững, cần có một số định hướng và giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần có các nghiên cứu để hiểu biết về các công nghệ trong chuyển đổi số liên quan đến nhu cầu tài nguyên và tác động môi trường của chúng.

Thứ hai, cần xây dựng các phương pháp đánh giá và hướng dẫn đánh giá chuẩn để đánh giá tác động của các loại công nghệ liên quan đến chuyển đổi số đến tài nguyên và môi trường;

Thứ ba, mở rộng phạm vi đánh giá các loại tác động của chuyển đổi số đến môi trường (ngoài năng lượng và dấu chân các bon). Không nên bỏ qua các tác động môi trường khác, chẳng hạn như cạn kiệt tài nguyên phi sinh học, cạn kiệt nước, độc tính sinh thái và con người, vì những chuỗi liên quan đến môi trường này cũng có thể quan trọng tương tự;

Thứ tư, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao kiến thức, thái độ, tăng cường năng lực của người tiêu dùng liên quan đến việc lựa chọn hàng hóa và ứng dụng CNTT-TT một cách bền vững;

Thứ năm, song song với quá trình chuyển đổi số cần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn liền với BVMT. Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra;

Thứ sáu, xây dựng các chính sách, luật pháp và thể chế để có thể giúp định hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách bền vững ở tất cả các cấp quản trị (quốc gia thành viên, khu vực, thành phố…).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Luật Bảo vệ Môi trường, số 72/2020/QH14.
  2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Chương trình chuyển đổi số Tài nguyên và Môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định số 417/QĐ-BTNMT, ngày 10/3/2021.
  3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022). Kế hoạch truyền thông ngày Chuyển đổi số quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định 2452/QĐ-BTNMT 2022, ngày 23/9/2022.
  4. Berg H., Bendix P., Jansen M., Blévennec K. L., Bottermann P., Magnus-Melgar M., Pohjalainen E., Wahlström M. (2021). Unlocking the potential of Industry 4.0 to reduce the environmental impact of production. European Topic Centre on Waste and Materials in a Green Economy (ETC/WMGE).
  5. Kunkel S., Matthess M. (2020). Digital transformation and environmental sustainability in industry: Putting expectations in Asian and African policies into perspective. Environmental Science & Policy, Volume 112, October 2020, Pages 318-329. https://doi.org/10.1016/j.envsci.2020.06.022.
  6. Liu R., Gailhofer P., Gensch C.O., Köhler A., Wolff F. (2019). Impacts of the digital transformation on the environment and sustainability. Institute for Applied Ecology.