Theo tài liệu của Lê Thanh Hùng (2004), Ếch Thái Lan có tên khoa học là Rana rugulosa, là loài lưỡng cư không đuôi, sống được trên cạn và môi trường nước. Về hình thái cấu tạo, Ếch Thái Lan (Rana rugulosa) tương tự như Ếch đồng (Rana tigrina) Việt Nam. Để phân biệt giữa hai loài cần dựa vào các đặc điểm như Ếch Thái Lan có kích thước lớn hơn, màu sắc nhạt hơn Ếch đồng, vành miệng Ếch Thái Lan có viền xanh nhạt, Ếch đồng không có đặc điểm này (Lê Thanh Hùng, 2004). Phần lưng Ếch Thái Lan có màu đất xám nâu nhạt, phần bụng có màu trắng bạc, hai đùi có hoa văn sắc tố màu xanh pha trắng bạc. Mắt Ếch Thái Lan lồi to, có mí mắt, nhưng thị lực rất kém (Ngô Trọng Lư, 2002). Ếch Thái Lan trưởng thành thường có chiều dài thân trung bình từ 7-13 cm, nặng 200-300g/con.

 
 

Ếch giống Miền Bắc giá rẻ - uy tín - Trại cá Giống Thiên Nhâm - Trại cá  giống lớn nhất Miền Bắc

 

Ếch Thái Lan sinh sống ở các ao hồ, đầm lầy, kênh rạch (Việt Chương, 2003). Trong điều kiện nuôi, nhiệt độ sống thích hợp của Ếch Thái Lan trong khoảng 25–320C, tốt nhất là 28–300C, pH thích hợp trong khoảng 6,5–8,5 và phải nuôi trong môi trường nước ngọt, độ mặn không quá 5‰ (Lê Thanh Hùng, 2004). Trong tự nhiên, Ếch Thái Lan là loài ăn động vật sống. Con mồi phải di động như các loài côn trùng, giun, ốc… Nhu cầu dinh dưỡng của Ếch Thái Lan khá cao, tương tự như những loài cá ăn thiên về động vật, thức ăn phải đầy đủ dưỡng chất (Ngô Trọng Lư, 2002). Ếch Thái Lan đã được thuần hóa nên có thể sử dụng thức ăn viên nổi hay thức ăn tự chế biến như cá tạp băm nhỏ, cám nấu trong nuôi thương phẩm (Lê Thanh Hùng, 2006).

Theo Bùi Tấn Anh (2003), trứng Ếch Thái Lan có cực động vật màu đen ở nửa trên và cực thực vật màu trắng ở nửa dưới. Trong điều kiện nhiệt độ 25–300C thời gian phát triển của phôi là 18–24 giờ. Sau một tháng nuôi, Ếch Thái Lan có thể đạt 20–25 g/con. Sau 8 tháng nuôi Ếch Thái Lan sẽ trưởng thành và có thể thành thục cho sinh sản (Nguyễn Hữu Đảng, 2004). Mùa sinh sản của Ếch Thái Lan từ tháng 4–9, và đẻ rộ vào những đêm mưa rào (Nguyễn Chung, 2007). Những nơi có mực nước 5–15 cm, có nhiều thực vật thủy sinh là nơi Ếch tới đẻ trứng và chúng bắt cặp từng đôi một, thời gian bắt cặp và đẻ trứng có thể kéo dài 2–3 giờ (Ngô Trọng Lư, 2002). Tùy theo kích cỡ mà số lượng trứng Ếch Thái Lan đẻ ra khác nhau từ 3.000–6.000 trứng/1lần đẻ và Ếch Thái Lan trong điều kiện nuôi giữ có thể đẻ 2–3 lần trong năm (Việt Chương, 2003).

Hiện nay tại Việt Nam, trong các giống loài nuôi thủy sản có tiềm năng thì Ếch Thái Lan (Rana tigrina) là loài đang được người nuôi thủy sản ở Việt Nam quan tâm nhất do chúng có giá trị kinh tế, tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt ngon. Ếch Thái Lan được nhập vào Việt Nam khoảng 8 năm về trước, cho đến nay phong trào nuôi Ếch Thái Lan đã và đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước do nhu cầu tiêu thụ Ếch Thái Lan của thị trường rất cao. Do đó, việc nghiên cứu ứng dụng các mô hình nuôi Ếch Thái Lan là vấn đề cấp thiết. Đặc biệt mô hình nuôi đơn canh Ếch trong bể, nuôi trong giai, nuôi Ếch Thái Lan kết hợp với nuôi cá đang rất phát triển, hàng năm cũng cấp cho thị trường hàng trăm tấn Ếch thương phẩm.

  • Xuất xứ mô hình nuôi kết hợp Ếch - Cá tại Việt Nam

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ngành nuôi trồng thủy sản đang phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển kinh tế, ngành thủy sản đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Bên cạnh những loài tôm, cá có giá trị đang được nuôi phổ biến thì hiện nay nhiều người nuôi trồng thủy sản đang có xu hướng chuyển sang nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị như Lươn, Ếch, Baba…Trong đó Ếch đang là đối tượng được nhiều người nuôi rất quan tâm vì Ếch không những là đối tượng có thịt thơm ngon, bổ dưỡng mà Ếch còn là đối tượng rất hữu ích trong nông nghiệp như tiêu diệt côn trùng, sâu bọ phá hoại mùa mạng (Nguyễn Chung, 2007). Ếch là loài tương đối nhậy cảm với môi trường, thời tiết, Ếch có thể báo hiệu mùa mưa đến giúp cho công việc sản xuất nông nghiệp được thuận lợi (Phạm Thanh Liêm và ctv., 2000). Ngoài ra Ếch còn được dùng trong các phòng thí nghiệm, góp phần quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về thần kinh và bệnh học. Trong Đông Y, thịt Ếch còn được sử dụng để chữa một số bệnh (Lê Trần Trí Thức, 2013), mỡ Ếch được điều chế thuốc rất quý.

  • Hiệu quả của việc nuôi Ếch Thái Lan bằng giai kết hợp với nuôi cá trong ao đất

Hiện nay, mô hình nuôi Ếch Thái Lan bằng giai, kết hợp nuôi cá dưới ao đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Trong đó, làm giai nuôi bằng lưới nilon thuận tiện cho quá trình chăm sóc Ếch, đặc biệt là giúp người nuôi giảm chi phí nhiều lần so với làm chuồng nuôi Ếch bằng bể xi măng. Không cần đất để xây dựng chuồng trại, người nuôi có thể tận dụng diện tích mặt nước ao để vừa nuôi cá vừa nuôi Ếch. Trên là ếch, dưới là cá, đây là cách thức nuôi kết hợp độc đáo hiện đang được nhiều người quan tâm. Thức ăn rơi vãi của Ếch sẽ là nguồn thức ăn cho cá qua đó giảm được số lượng thức ăn cung cấp cho cá, đồng thời hạn chế khả năng ao nuôi bị ô nhiễm. Cụ thể, năm 2013, Chi cục thủy sản Hà Nội đã thực hiện thử nghiệm mô hình nuôi Ếch kết hợp với thả cá Rô phi tại xã Suối Hai, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, kết quả cho thấy đàn Ếch nuôi đã giảm 20% các loại bệnh, tiết kiệm khoảng 30% chi phí đầu tư so với nuôi Ếch như trước kia (Chi cục thủy sản Hà Nội, 2014). Tại Bắc Ninh, mô hình nuôi Ếch trong lồng kết hợp với thả cá Chép lai V1 dưới ao được thực nghiệm tại huyện Thuận Thành năm 2014 cũng cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình đều vượt trội (tăng 20%) so với các mô hình nuôi chuyên canh Ếch trước đây (Chi cục thủy sản Bắc Ninh, 2015). Tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, một số hộ nuôi đã tận dụng mặt nước ao sẵn có của gia đình để nuôi Ếch kết hợp với thả cá và đã mang lại thu nhập cao. Báo cáo kết quả mô hình thử nghiệm cho thấy Ếch thích nghi với môi trường ở Bắc Giang với tỷ lệ sống đến khi thu hoạch đạt hơn 90%, Ếch ít bị bệnh, khối lượng khi thu 3-4 con/kg (Trung tâm giống thủy sản Bắc Giang, 2015). Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mô hình nuôi Ếch Thái Lan kết hợp với nuôi cá Trê vàng, cá Trê phi cũng đã được nhiều nông dân lựa chọn, đây là mô hình có khả năng làm giàu và giảm ô nhiễm môi trường do dư thừa thức ăn trong chăn nuôi Ếch. Mô hình này tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười và TP. Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp…

Tỉnh Hà Tĩnh có điều kiện tự nhiên, thủy văn, khí hậu á nhiệt đới nóng ẩm, pha chút khí hậu ôn đới rất thuận lợi cho phát triển thủy sản, đặc biệt là phát triển nuôi các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế như cá Chép lai V1, cá Rô phi đơn tính, Ếch Thái Lan... Với lợi thế có nhiều tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Các sông chảy qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có lòng sông rộng, chế độ dòng chảy nhẹ tương đối ổn định và phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Thêm vào đó, Hà Tĩnh còn có tiềm năng rất lớn về diện tích nuôi trồng thủy sản mặt nước phù hợp với nuôi trồng thủy sản (Chi cục thủy sản, 2017). Vì thế trong những năm qua phát triển thủy sản được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định là một trong những chương trình nông nghiệp trọng điểm. Phong trào phát triển nuôi trồng thủy sản ngày một phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong đó hình thức nuôi cá trong ao đất được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Để đẩy mạnh hơn nữa trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế trong những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư nhiều cho những nghiên cứu về lựa chọn, đưa các giống thủy sản mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng tốt với khí hậu, phù hợp thị trường, cho hiệu quả cao vào sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số đề tài, dự án thủy sản đã được thực hiện tại tỉnh trong những năm gần đây. Kết quả là sản xuất nuôi trồng thủy sản tỉnh Hà Nam những năm qua đã duy trì ổn định và có tốc độ tăng trưởng khá. Nuôi trồng thủy sản đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập và từng bước làm giàu cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định kinh tế - xã hội. Bước đầu đã hình thành được các khu nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng trang trại, hợp tác xã, công nghiệp và sản xuất hàng hóa.

Trong những năm tới, với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp và đô thị hóa của tỉnh, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp thì việc phát triển nuôi trồng thủy sản cần phải được đẩy mạnh, coi đây là mũi nhọn và là lĩnh vực chính trong sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện được nhiệm vụ này, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh là rất cần thiết. Qua đó sẽ tổ chức, bố trí lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ưu tiên phát triển các đối tượng chủ lực, có thế mạnh nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Đưa giống mới có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh là mục tiêu quan trọng của phát triển nông nghiệp tại tỉnh Hà Nam. Ếch là sản phẩm thủy sản được ưa chuộng trên thị trường trong nước và thế giới, tuy nhiên từ trước đến nay sản lượng ếch tại Hà Nam phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nguồn cung sản phẩm chưa đảm bảo, dịch bệnh thường xuyên xẩy ra, tỷ lệ chết cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó cá Chép lai V1, cá Rô lai xa lại là các đối tượng nuôi thủy sản có giá trị và ổn định. Diện tích ao hồ chưa sản xuất trong tỉnh Hà Nam còn khá lớn, vì vậy nghiên cứu tìm kiếm mô hình nuôi Ếch kết hợp với thả cá cho hiệu quả kinh tế là rất cần thiết. Sự thành công của đề tài sẽ mang đến cho nông dân hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, ngoài ra còn giúp ngành chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương hiệu quả hơn.

Như vậy, căn cứ vào điều kiện tự nhiên của tỉnh Hà Tĩnh, tính ưu việt của việc nuôi Ếch Thái Lan (Rana Tigerina) là rất cần thiết. Đề tài sẽ góp phần làm đa dạng các hình thức nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh, giúp cho người nuôi thủy sản tiếp cận với các mô hình nuôi mới, đồng thời góp phần chuyển đổi diện tích nuôi kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Thanh Hùng (2002). Kỹ thuật nuôi ếch Thái Lan (Rana rugulosa), Trường Đại Học Nông Lâm. Nhà xuất bản Nông nghiệp, 44 trang.
  2. Lê Thanh Hùng (2004). Xây dựng mô hình nuôi ếch Thái Lan ở TPHCM, Trường Đại Học Nông Lâm. Nhà xuất bản Nông nghiệp, 103 trang.
  3. Lê Thanh Hùng, 2005b. So sánh sự sinh sản và khả năng nuôi thâm canh của ếch đồng Việt Nam (Rana tigrina) và ếch Thái Lan (Rana rugulosa). Tuyển tập hội thảo toàn quốc về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản. NXB Nông nghiệp TP.HCM.
  4. Ngô Trọng Lư (2002). Kỹ thuật nuôi Lươn, Ếch, BaBa, Cá Lóc, NXB nông nghiệp, 103 trang. 4. Bùi Tấn Anh (2003). Nguyên lý phát triển sinh học, Khoa khoa học, ĐHCT, NXB giáo dục, 60 trang. Kỹ thuật nuôi Lươn, Ếch, Trăn và Giun đất (1996). Sở khoa học công nghệ và môi trường An Giang, NXB Nông nghiệp, 60 trang.
  5. Việt Chương (2003). Nuôi Ếch công nghiệp. Nhà xuất bản tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 91 trang.
  6. Trần Kiên và Nguyễn Thái Tự (1992). Động vật có xương sống, NXB Giáo dục, 172 trang.