Để giải toả tâm lý lo ngại động đất có thể xảy ra hay không, các cường độ của động đất ra sao và cách đối phó với động đất thế nào... thì chúng ta cần có những kỹ năng và biện pháp đối phó.

Lịch sử đã chứng kiến nhiều thảm họa do tự nhiên và cả lỗi của con người gây nên. Những thảm họa này đã gây ra cho con người biết bao thiệt hại, hàng nghìn, hàng vạn người phải bỏ mạng. Động đất là một trong những thảm họa khủng khiếp của con người, những thiệt hại do động đất gây ra rất to lớn. Chính vì thế con người cần có những giải pháp để bảo vệ mình trước những thảm hoạ mà thiên nhiên gây ra.

Động đất là sự rung động của mặt đất, được tạo ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các khối địa chất trong lòng đất, các vụ nổ núi lửa, các vụ trượt lở đất, sụp đổ hang động,… Nhiều trận động đất, đặc biệt là những trận xảy ra dưới đáy biển, có thể gây ra sóng thần, hoặc có thể vì đáy biển bị biến dạng hay vì đất lở dưới đáy biển.

Có 3 nhóm nguyên nhân gây ra các trận động đất: Do hiện tượng sụt lở các lỗ rỗng trong vỏ quả đất; Do núi lửa phun trào; Do các vận động bên trong trái đất làm tích tụ năng lượng tại vùng phát sinh động đất và được gọi là động đất kiến tạo. Trên 90% các trận động đất quan trắc được đều thuộc loại động đất kiến tạo.

Độ lớn của động đất (M) hay còn gọi là độ Richter. Có thể phân mức về độ richter như sau: Động đất từ 1 đến 2 độ richter thường không và khó nhận biết được; Từ 2 – 4 độ richter, có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại; Từ 4 – 5 độ richter, mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể; 5 – 6 độ richter, nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt; 6 – 7 độ richter, nhà cửa bị hư hại nhẹ; 7 – 8 độ richter, động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất; 8 – 9 độ richter, nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng; Và từ trên 9 độ richter, rất hiếm khi xảy ra.

Những trận động đất có M > 7 không xảy ra khắp mọi nơi mà thường tập trung ở những vùng nhất định, gọi là đới hoạt động địa chấn mạnh.

Để thực hiện tốt với việc ứng phó trước, trong và sau khi xảy ra động đất ta cần thực hiện các biện pháp sau:

Thời gian

Các hành động cần thiết

Trước động đất

  • - Tham gia các lớp đào tạo kĩ năng đối phó với các trường hợp khẩn cấp;
  • - Tham gia lập kế hoạch đối phó với động đất của nhà trường đã đưa ra;
  • - Theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
  • - Chuẩn bị sẵn sàng một số vật dụng cần thiết như nước, đèn pin và pin dự phòng, radio cầm tay, thực phẩm, bình cứu hỏa, còi, túi cứu thương, ...;
  • - Giữ một đôi giày bên cạnh giường của bạn;
  • - Neo các vật nặng vào tường (tủ sách, ti vi, gương, tủ,tủ chén bát, ...), nên đặt xa cửa và các nơi thường lui tới để khi đổ không chăn lối ra và không gây thương tích khi đi lại;
  • - Không kê giường cạnh cửa sổ;
  • - Biết các số điện thoại khẩn cấp (bệnh viện, bác sĩ, cảnh sát, …);
  • - Những người sống ở chung cư nắm vững lối thoát hiểm;

Trong khi động đất

  • - Nếu động đất xảy ra khi bạn đang ở trong nhà, ngay lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở. Nếu không có gầm bàn thì chạy đến góc phòng mà đứng, tránh xã các cửa sổ và cửa ra vào, không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động do động đất gây ra. Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi phòng, nhà nếu cần;
  • - Khi di chuyển ra khỏi nhà cao tầng không chạy vào thang máy đề phòng mất điện bất ngờ, đồng thời lấy các vật che trên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu, …;
  • - Nếu bạn đang ở ngoài trời, ở lại bên ngoài. Lánh nạn ở những bãi đất trống, chạy tránh xa các tòa nhà cao ốc, tường cao, cây to, đường dây điện, … để tránh sập đổ;
  • - Nếu động đất xảy ra khi đang ở gần bờ biển thì phải đề phòng sóng thần do động đất xảy ra ở đáy biển;
  • - Sau chấn động đầu tiên thường có thời gian yên tĩnh, sau đó mới có chấn động mới, do đó không nên hoảng sợ. Chấn động mới có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ thậm chí sau vài ngày tùy thuộc động đất mạnh hay yếu.
  • - Khóa khí đốt, điện và nước. Không sử dụng diêm, nến hoặc bất kì vật gì sinh ra lửa phòng khi khí đốt bị rò rỉ.

Sau động đất

  • - Kiểm tra chính mình và những người xung quanh có bị chấn thương hay không. Tiến hành sơ cứu nếu cần thiết.
  • - Tránh xa các tòa nhà bị hư hỏng, không đi qua cầu, …;
  • - Mang giày khi đi ra ngoài, cận thận với các mảnh kính vỡ;
  • - Nếu bạn đang ở trường hoặc ở nhà, trường hoặc nhà không an toàn, hãy ra ngoài hoặc làm theo các kế hoạch khẩn cấp hoặc làm theo hướng dẫn của người phụ trách;
  • - Trong trường hợp đặc biệt nếu bạn vẫn ở trong nhà hoặc trường, cẩn thận với đường dây điện, khí đốt, nước và các vật dụng có thể gây nguy hiểm khác. Nếu bạn gửi thấy mùi khí ga thì hãy khóa ga, tháo hết các cầu chì, tắt cầu dao và báo với các cơ quan chức năng hoặc người thân của bạn;   
  • - Không sử dụng phương tiện, ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp;
  • - Sử dụng đài radio cầm tay để cập nhật thông tin;
  • - Không sử dụng điện thoại trừ trường hợp khẩn cấp;
  • - Tranh xa các bãi biển. Sóng thần thường xảy ra khi mặt đất đã ngừng rung lắc;
  • - Sử dụng đèn pin để kiểm tra thiệt hại nơi cư trú của bạn, bao gồm: khí đốt, nước, đường dây điện và các thiết bị khác có khả năng gây nguy hiểm cho bạn;

Tác giả: Nguyễn Trung Uyên

 

Nguồn tham khảo

Một số hoạt động ứng phó với động đất. Hội nghị Giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chóng thiên tai – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hà Nội, ngày 02 – 03/12/2014.