^Back To Top

TÓM TẮT

Để đánh giá tình hình dịch bệnh và một số đặc điểm dịch tễ bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi tiến hành thu thập số liệu bằng phương pháp nghiên cứu hồi cứu. Giai đoạn 2013 - 2016, tỉnh Hà Tĩnh có tổng số 125 ổ dịch đã được báo cáo, với tổng số 2.543 trường hợp trâu bò mắc bệnh. Kết quả phân tích cho thấy, tình hình dịch bệnh tỷ lệ trâu bò mắc bệnh LMLM của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016 có xu hướng giảm mạnh (năm 2013 là 0,74%, năm 2014 là 0,07%, năm 2015 và năm 2016 là 0,10%); tỷ lệ bệnh LMLM theo loài, ở bò vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (78,92%), tiếp đến là trâu (21,08%); về phân bố dịch LMLM theo không gian, dịch phân bố tương đối rộng trên toàn địa bàn tỉnh với 11/12 huyện thị có dịch, nếu xét cả giai đoạn thì dịch tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc, sau đó đến các huyện phía Nam và ít ở các huyện phía Tây Hà Tĩnh; về phân bố dịch LMLM trâu bò theo thời gian, dịch xảy ra tập trung vào các tháng 2, 3, 4 và tháng 10, 11, 12 hàng năm.

Từ khóa: Dịch lở mồm long móng, tình hình dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ bệnh LMLM trâu bò tỉnh Hà Tĩnh.

ABSTRACT

To assess the epidemics and some epidemiological characteristics of foot and mouth disease (FMD) in Ha Tinh province, we conducted the data collection by retrospective study. In the period 2013 - 2016, there are 125 outbreaks reported in Ha Tinh province, with a total of 2,543 cases of cattle and buffaloes. Analytical results show that the disease situation in Ha Tinh province in the period of 2013-2016 has a tendency to decrease significantly (0.74% in 2013, 0.07% in 2014). 2015 and 2016 is 0.10%); The rate of FMD by species was highest in cattle (78.92%), followed by buffaloes (21.08%); On the distribution of FMD outbreaks, the distribution is relatively wide in the province with 11 out of 12 districts in the epidemic, if the phase is concentrated mainly in the northern districts, then to the in the south and less in the western districts of Ha Tinh; Distribution of FMD outbreaks over time, outbreaks occur in February, March, April and October, November and December.

 Key words: foot and mouth disease, epidemics, epidemiological characteristics of cattle FMD in Ha Tinh province.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh lở mồm long móng (Foot and Mouth Disease, FMD) là một trong những bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho chăn nuôi, vì đây là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho những động vật guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, cừu và những loài động vật hoang dã. Bệnh có tính lây lan nhanh trên diện rộng cho nên tổ chức thú y thế giới đã xếp vào danh mục bảng A của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở động vật. Virus gây bệnh LMLM thuộc họ Picornaviridae được chia thành 7 type huyết thanh, giữa các type không có miễn dịch chéo cho nhau.

Trong những năm gần đây, bệnh LMLM thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đáng chú ý, tháng 3/2013 lần đầu tiên phát hiện dịch LMLM týp A xuất hiện tại 5 xã, phường thuộc 3 huyện, thị xã (TX Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc và Nghi Xuân) làm cho 356 con gia súc mắc bệnh (127 trâu và 229 bò), trong đó số con chết, tiêu hủy là 3 con.

Từ tình hình thực tế đó, việc đánh giá tình hình dịch bệnh và xác định một số đặc điểm dịch tễ bệnh LMLM trâu bò là nghiên cứu tích cực để xác định tính quy luật của dịch, góp phần vào việc khống chế dịch bệnh LMLM trâu bò trên địa bàn Tỉnh Hà Tĩnh cho các năm tiếp theo.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Nội dung nghiên cứu

- Đánh giá tình hình chăn nuôi trâu bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2016

- Đánh giá tình hình dịch bệnh LMLM trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2016.

- Xác định tỷ lệ mắc bệnh LMLM trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2016 theo loài.

- Xác định phân bố dịch bệnh LMLM trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2016 theo không gian.

- Xác định diễn biến dịch bệnh LMLM trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2016 theo thời gian.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp hồi cứu nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học được sử dụng để tổng hợp và phân tích đặc điểm về tình hình hình dịc bệnh theo loài, theo không gian và thời gian.

2.2.1. Phương pháp thu thập số liệu

Thu thập số liệu về tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh và đặc điểm dịch tễ của bệnh LMLM giai đoạn 2013 - 2016 từ Cơ quan Thú y vùng III và Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh.

2.2.2. Phương pháp phân tích số liệu

- Phương pháp phân tích đối tượng mắc bệnh: Tỷ lệ các loài gia súc mắc bệnh (trâu, bò) là trong tổng số trâu bò mắc bệnh LMLM của cả giai đoạn.

- Phương pháp phân tích không gian:

Trong dịch tễ học không gian, chùm không gian ca bệnh (chùm các xã có bệnh LMLM ở gần nhau về mặt không gian) là rất quan trọng giúp chúng ta hiểu được dịch có tính chất lây lan cục bộ hay là lây lan diện rộng.

Phân bố không gian được thể hiện bằng tỷ số nguy cơ các xã có dịch. Số ổ dịch là số xã có dịch, nguy cơ mắc mới là số xã có dịch LMLM chia cho tổng số xã có nguy cơ của tỉnh cho mỗi giai đoạn thời gian là một năm.

- Phương pháp phân tích thời gian: Trên cơ sở số liệu tình hình dịch bệnh LMLM trâu bò được báo cáo và tổng hợp theo từng ngày, tháng, năm. Chúng tôi tiến hành phấn tích, đánh giá số ca bệnh và số ổ dịch bệnh LMLM trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh theo các tháng của cả giai đoạn 2013 - 2016

2.2.3. Phương pháp xử lý số liệu

Khoảng tin cậy 95%CI của một ước lượng (Confidence Interval) được tính theo công thức:

Trong đó:

                        95%CI : Khoảng tin cậy của ước lượng với độ tin cậy 95%.

                        P(t) : Tỷ lệ dương tính hoặc tỷ lệ hiện mắc bệnh.

                        N : Tổng số mẫu xét nghiệm hoặc tổng đàn.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tình hình chăn nuôi trâu bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2016

Qua kết quả điều tra tình hình chăn nuôi trâu bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016 cho thấy, về cơ bản tổng đàn trâu bò năm sau tăng hơn so với năm trước, tốc độ tăng bình quân là 8,48%/năm (bảng 1).

Bảng 1. Tổng đàn trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016

Loài

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Trâu

78.600

79.582

80.785

81.223

161.888

175.305

203.732

225.599

Tổng

240.488

254.887

284.517

306.822

 

(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, 2017)

Giai đoạn 2013 - 2016, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu bò nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực, tổng đàn trâu bò có xu hướng tăng, đặc biệt là đàn bò. Chăn nuôi chủ yếu phổ biến từ quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp dần được thu nhỏ, thay vào đó là sự chuyển dịch sang phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô vừa và lớn. Phương thức chăn nuôi theo hướng gia trại sản xuất hàng hóa và áp dụng kỹ thuật nuôi dưỡng, thức ăn, vỗ béo trước khi xuất bán đã nâng cao khối lượng trâu bò trưởng thành.

Tổng đàn trâu giai đoạn 2013 - 2016 phát triển ổn định và tăng nhẹ so với năm trước do hiện nay đang thực hiện đầu tư phát triển đàn trâu ở một số vùng, miền có điều kiện chăn nuôi tốt theo hướng sản xuất sản phẩm thịt thay thế cho việc chăn nuôi trâu để phục vụ mục đích cày kéo. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay của người dân là chuyển dần từ chăn nuôi trâu sang chăn nuôi bò chất lượng cao và có hiệu quả hơn.

Giai đoạn 2013 - 2016, chất lượng đàn bò đã từng bước nâng cao, đã hình thành một số vùng chăn nuôi bò thịt tập trung tại một số huyện. Cơ cấu, chất lượng đàn được cải tiến, tỷ lệ bò lai Zebu và bò thịt chất lượng cao năm 2006 là 7,4%, năm 2011 là 30%, năm 2015 tăng lên 40,6%, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ bò lai Zebu và bò thịt chất lượng cao đạt 80,0%. Đàn bò sữa của tỉnh ở giai đoạn này tăng nhẹ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều dự án chăn nuôi bò với quy mô lớn đang được triển khai thực hiện như: Dự án Chăn nuôi bò của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã nhập nuôi 1.000 con bò nái ngoại; Dự án nuôi bò giống, bò thịt của Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà với quy mô tổng đàn 271.620 con, diện tích dự kiến 6.119,29 ha, hiện nay đã hoàn thành 7 chuồng trại và thả 2000 con bò Úc; Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk với tổng đàn bò sữa ước hiện có 1.420 con.

Hình thức tổ chức sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2016 có những chuyển biến tích cực, đã hình thành được nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác chăn nuôi, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Nhưng nhìn chung, chăn nuôi trâu bò vẫn chủ yếu ở quy mô nông hộ, phân tán, nhỏ lẻ từ 1-5 con/hộ (chiếm 70% tổng đàn). Ở các vùng trung du, miền núi chủ yếu trâu, bò được thả tự do trong rừng, khó kiểm soát và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Công tác giống của Hà Tĩnh hiện nay vẫn chủ yếu là bò vàng, bò lai sind chiếm 60% tổng đàn, tầm vóc nhỏ, năng suất thấp. Hàng năm, bò giống vẫn được nhập từ các tỉnh phía bắc về bổ sung cho đàn bò trong tỉnh. Giống trâu nuôi trên địa bàn toàn tỉnh chủ yếu là giống địa phương, phối tự nhiên, hiện tượng giao phối cận huyết, trâu đực tốt bị mang bán giết thịt, trâu đực giống không đủ phẩm chất làm giảm chất lượng, sức sản xuất của đàn trâu. Nhìn chung, công tác giống chủ yếu vẫn mang tính chất tự phát, nhập đàn không được kiểm soát dịch bệnh, công với việc tiêm phòng không đầy đủ, nên nguy cơ dẫn đến sự lưu hành mầm bệnh và bùng phát dịch bệnh là rất lớn.

Công tác quản lý kiểm soát giết mổ vẫn còn nhiều bất cập, khó quản lý mặc dù trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được rất nhiều lò mổ trong thời gian qua.

Hệ thống quản lý nhà nước về chăn nuôi đã có ngành dọc từ tỉnh đến cơ sở; Nhưng nhìn chung, hệ thống tổ chức ngành nhìn chung còn mỏng và yếu, chưa đồng bộ nên việc chỉ đạo, phát triển chăn nuôi từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều bất cập, hạn chế sự phát triển của ngành. Do đó, cần tăng cường nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng để tạo ra bước đột phá, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi.

Biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, diễn biến môi trường có chiều hướng phức tạp, Hà Tĩnh là địa phương có nhiều loại thiên tai (lũ lụt, bão ...), là tỉnh có trục đường quốc lộ chạy qua, có đường giao thông với nước bạn Lào, việc vận chuyển chưa có phương tiện chuyên dụng, chưa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nên đây là nguồn gieo rắc các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi (LMLM gia súc, Tai xanh ở lợn, cúm gia cầm) xảy ra ở diện rộng, diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến sản xuất chăn nuôi.

3.2. Tình hình dịch bệnh LMLM của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016

Để đánh giá tình hình dịch bệnh và một số đặc điểm dịch tễ bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016, chúng tôi tiến hành điều tra, xác định tỷ lệ trâu bò mắc bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh, kết quả thể hiện ở bảng 2.

Bảng 2. Tỷ lệ  trâu bò mắc bệnh LMLM  của tỉnh Hà Tĩnh qua các năm 2013 - 2016

Năm

Tổng đàn

trâu bò

Số trâu bò mắc bệnh

Tỷ lệ mắc bệnh (%)

Khoảng tin cậy (95%CI)

Năm 2013

240.488

1.772

0,74

0,70-0,77

Năm 2014

254.887

185

0,07

0,06-0,08

Năm 2015

284.517

288

0,10

0,09-0,11

Năm 2016

306.822

298

0,10

0,09-0,11

 

(Nguồn: Cơ quan Thú y vùng III, 2017)

Qua bảng 2 cho thấy tỷ lệ trâu bò mắc bệnh LMLM năm 2013 tương đối cao, chiếm 0,74%. Những năm sau đó, tỷ lệ mắc có chiều hướng giảm mạnh, năm 2014 tỷ lệ mắc bệnh là 0,07%, năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ mắc bệnh là 0,10%. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thu Thủy và cộng sự (2013) về đặc điểm dịch tễ của dịch bệnh LMLM tại Việt Nam, giai đoạn 2006 – 2012, trung bình ở Việt Nam khoảng 2 – 3 năm lại xuất hiện các đợt dịch LMLM trầm trọng. Kết quả nghiên cứu này rất quan trọng để tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho những năm tiếp theo.

Tỷ lệ mắc bệnh LMLM ở trâu bò tại tỉnh Hà Tĩnh qua các năm 2013 - 2016 được thể hiện ở biểu đồ 1.

Biểu đồ 1. Tỷ lệ trâu bò mắc bệnh LMLM tại tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016

Nguyên nhân năm 2013 dịch phân bố rộng là do: (1) Năm 2013 là lần đầu tiên xuất hiện dịch LMLM type A tại Hà Tĩnh, trong khi đó theo Chương trình Quốc gia phòng chống LMLM vùng Bắc Trung Bộ chỉ tiêm phòng type O (Các huyện phía Bắc Hà Tĩnh là các địa phương đầu tiên phát hiện LMLM type A bao gồm các huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng lĩnh và huyện Can Lộc); (2) Hà Tĩnh có tới 70% diện tích tự nhiên là đồi núi, người dân có tập quán chăn thả gia súc tự do trong rừng, khó kiểm soát và triển khai các biện pháp phòng bệnh, thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa mưa lũ làm phát tán mầm bệnh; (3) Hà Tĩnh có mạng lưới giao thông giao lưu hàng hóa Bắc – Nam và giao lưu với nước bạn Lào, việc buôn bán gia súc chủ yếu thông qua các thương lái thu gom tại các hộ chăn nuôi, các phương tiện khi vận chuyển từ gia đình này đến gia đình khác không được kiểm soát, không được tiêu độc khử trùng; (4) Người dân khi mua gia súc về làm giống không khai báo và cũng không có các biện pháp cách ly trước khi nhập đàn; (5) Tiêm phòng vắc xin LMLM đạt tỷ lệ thấp, làm cho dịch phân bố một cách rộng rãi, lây lan khắp các địa phương trong tỉnh, kể cả miền núi và đồng bằng.

Từ năm 2014-2016, sau khi phát hiện dịch LMLM type A tại các huyện phía Bắc Hà Tĩnh. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, tỉnh đã ban hành nhiều chế độ chính sách về phát triển chăn nuôi, cách doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã dần chủ động về con giống; cộng với việc tổ chức tiêm phòng đại trà vắc xin LMLM nhị giá (type O và A), sự chấp hành tốt chủ trương của người chăn nuôi, công tác tiêm phòng được thực hiện một cách triệt để. Nên giai đoạn này dịch bệnh đã có chiều hướng giảm xuống một cách rõ rệt.

3.3. Tỷ lệ mắc bệnh LMLM theo loài của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2016

Theo kết quả theo dõi dịch tễ bệnh LMLM tại tỉnh Hà Tĩnh của phòng Dịch tễ - Cơ quan Thú y vùng III thì từ năm  2013-2016 dịch bệnh LMLM phát ra đầu tiên trên đàn trâu bò. Trong quá trình lây lan từ địa phương này đến địa phương khác, cộng với việc nuôi nhốt chung trâu bò với các loài gia súc khác thì ngoài trâu bò còn có thêm lợn mắc bệnh, chưa phát hiện được trường hợp hươu và dê mắc bệnh. Thống kê số lượng gia súc mắc bệnh LMLM theo loài được trình bày ở bảng 3.

Bảng 3. Tỷ lệ mắc bệnh LMLM theo loài tại Hà Tĩnh từ năm 2013 - 2016

Năm

Tổng số bệnh (con)

Trâu mắc bệnh

Bò mắc bệnh

Số con trâu

Tỷ lệ trâu %

Số con bò

Tỷ lệ bò %

Năm 2013

1.772

418

23,59

1.354

76,41

Năm 2014

185

19

10,27

166

89,73

Năm 2015

288

49

17,01

239

82,99

Năm 2016

298

50

16,78

248

83,22

Cộng

2.543

536

21,08

2.007

78,92

 

 (Nguồn: Cơ quan Thú y vùng III, 2017)

Qua bảng 3 cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh theo loài qua các năm 2013 - 2016 thì bò vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 78,92% trong các năm), sau đó đến trâu (chiếm 21,08%). Theo nghiên cứu của Nguyễn Thu Thủy và cộng sự (2013) về đặc điểm dịch tễ của dịch bệnh LMLM tại Việt Nam, giai đoạn 2006-2012, trâu là loài động vật có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất 33,4%, sau đó mới đến bò và các loài gia súc khác. Sự sai khác này là do đặc điểm vùng Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng tỷ lệ đàn bò cao hơn đàn trâu, trong địa bàn ít nhập trâu giống từ nơi khác về, chủ yếu từ nguồn giống tự cấp của địa phương.

Tỷ lệ mắc bệnh LMLM theo loài của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2016 được thể hiện ở biểu đồ 2.

Biểu đồ 2. Tỷ lệ mắc bệnh LMLM theo loài của tỉnh Hà Tĩnh từ 2013 - 2016

3.4. Phân bố dịch bệnh LMLM trâu bò theo không gian giai đoạn 2013 - 2016

Tình hình dịch bệnh LMLM của tỉnh Hà Tĩnh cũng được phân tích đánh giá dựa trên tỷ lệ xã có dịch LMLM giai đoạn 2013 - 2016. Kết quả tổng hợp được thể hiện ở bảng 4.

Bảng 4. Tình hình dịch bệnh LMLM và tỷ lệ xã có dịch ở tỉnh Hà Tĩnh qua các năm 2013-2016

Tổng hợp tình hình dịch bệnh LMLM ở tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2016

Tỷ lệ số xã có dịch LMLM qua các năm 2013-2016

Năm

Số huyện có dịch

Số xã có dịch (Số ổ dịch)

Tổng trâu, bò bệnh

Tổng trâu, bò tiêu huỷ

Tổng xã nguy cơ

Số xã có dịch (Số ổ dịch)

Tỷ lệ (%)

Khoảng tin cậy (95%CI)

Cận dưới

Cận trên

Năm 2013

8

73

1.772

43

262

73

27,86

22,43

33,29

Năm 2014

8

15

185

0

262

15

5,73

2,91

8,54

Năm 2015

8

21

288

0

262

21

8,02

4,73

11,3

Năm 2016

7

16

298

0

262

16

6,11

3,21

9,01

 

(Nguồn: Cơ quan Thú y vùng III, 2017)

Diễn biến số ổ dịch LMLM tại Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2016 thể hiện trong biểu đồ 3.

Biểu đồ 3. Tỷ lệ số xã có dịch LMLM qua các năm 2013 - 2016

Qua bảng 4 và biểu đồ 3 cho thấy, từ năm 2013 - 2016 nhìn chung dịch bệnh tuy có chiều hướng giảm mạnh dần, nhưng dịch vẫn phân bố rộng trên các địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, với 7-8/12 huyện trong tỉnh có dịch; Tuy nhiên, số ổ dịch xảy ra nhiều nhưng số con mắc bệnh lại ít, điều đó nói lên công tác phòng chống dịch và bao vậy ổ dịch của cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền đã thực hiện rất tốt và kịp thời. Điển hình năm 2013, có 73 xã trong toàn bộ 8 huyện, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh có dịch LMLM, tổng số gia súc ốm là 1.772 con, tiêu hủy 43 con, tỷ lệ xã có dịch là 27,86%. Từ năm 2014 - 2016, dịch có chiều hướng giảm mạnh; năm 2014 có 15 xã của 8 huyện, thị xã có dịch LMLM, tổng số gia súc bệnh là 185 con, tỷ lệ xã có dịch là 5,73%; năm 2015 và năm 2016 số ca bệnh và số xã có dịch có chiều hương tăng nhẹ so với năm 2014.

Sự phân bố dịch LMLM trâu bò giai đoạn 2013-2016 của Hà Tĩnh theo không gian được thể hiện trong bản đồ dịch bệnh LMLM ở hình 1.

Hình 1. Bản đồ phân bố dịch bệnh LMLM trâu bò tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016

Qua bản đồ 1 cho thấy, dịch bệnh LMLM trâu bò tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016 phân bố tương đối rộng trên toàn địa bàn tỉnh với 11/12 huyện, thị xã, thành phố có dịch và duy nhất huyện Hương Sơn cả giai đoạn này không có dịch. Nếu xét cả giai đoạn thì dịch tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc, sau đó đến các huyện phía Nam và ít ở các huyện phía Tây Hà Tĩnh. Nhưng nếu xét theo từng năm, thì năm 2013 và năm 2014 dịch tập trung ở các huyện phía Bắc Hà Tĩnh, năm 2015 và năm 2016 dịch có chiều hướng tăng ở các huyện phía Nam.

3.5. Diễn biến dịch bệnh LMLM theo thời gian giai đoạn 2013 - 2016

Diễn biến số ca bệnh và số ổ dịch LMLM trâu bò theo thời gian của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013–2016 được thể hiện ở biểu đồ 4 và biểu đồ 5.

Biểu đồ 4. Diễn biến số ca bệnh LMLM

trâu bò theo thời gian tỉnh Hà Tĩnh

giai đoạn 2013 – 2016

Biểu đồ 5. Diễn biến số ổ dịch LMLM

trâu bò theo thời gian tỉnh Hà Tĩnh

giai đoạn 2013 – 2016

 

Theo nghiên cứu của Nguyễn Thu Thủy và cộng sự (2013) về đặc điểm dịch tễ không gian và thời gian của dịch bệnh LMLM tại Việt Nam, giai đoạn 2006 – 2012, dịch LMLM chủ yếu tập trung vào các tháng 3-7 (năm 2006) và từ tháng 9 đến 3 năm sau (năm 2009-2011).

Nếu so sánh diễn biến dịch bệnh LMLM tại Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016, kết quả nghiên cứu trên có sự sai khác rõ rệt với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thu Thủy và cộng sự (2013). Qua số liệu thống kê tình hình dịch bệnh LMLM tại tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016, thì dịch LMLM trâu bò xảy ra thường xuyên, số trâu bò bệnh và số ổ dịch tập trung chủ yếu ở các tháng của hai giai đoạn là vào các tháng 2, 3, 4 và các tháng 10, 11, 12 hàng năm. Đây là những thời điểm chuẩn bị tiêm phòng 2 vụ chính vụ Xuân và vụ Thu (vụ xuân tháng 3,4; vụ thu tháng 9,10), cũng chính là lúc sự bảo hộ của vắc xin đã giảm đến mức thấp nhất, là thời điểm gia súc dễ cảm nhiễm với bệnh LMLM. Ngoài ra, qua quá trình diễn biến dịch bệnh theo thời gian từ 2013 - 2016 còn thấy tháng 5, 6, 7 số ca bệnh và số ổ dịch cũng tương đối cao, đó là do những tháng này người dân tập trung nhập trâu bò từ các nơi khác về để nuôi vỗ béo phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, với thời gian nuôi ngắn người dân hầu như không tiêm phòng vắc xin, đó là hai nguyên nhân chính làm dịch ở thời điểm này vẫn xảy ra tương đối nhiều.

IV. KẾT LUẬN

Từ những kết quả nghiên cứu đã trình bày trên đây, chúng tôi có một số kết luận sau:

(1). Tình hình chăn nuôi trâu bò trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2016: tổng đàn trâu bò năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ tăng bình quân là 8,48%/năm.

(2). Tình hình dịch bệnh LMLM của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2016 có xu hướng giảm mạnh; năm 2013 là 0,74%, năm 2014 là 0,07%, năm 2015 và năm 2016 là 0,10%;

(3). Tỷ lệ bệnh LMLM trâu bò theo loài: bò vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (78,92%), tiếp đến là trâu (21,08%)

(4). Phân bố dịch LMLM trâu bò theo không gian: giai đoạn 2013 - 2016 dịch phân bố tương đối rộng trên toàn địa bàn tỉnh với 11/12 huyện, thị xã, thành phố có dịch và duy nhất huyện Hương Sơn cả giai đoạn này không có dịch. Nếu xét cả giai đoạn thì dịch tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc, sau đó đến các huyện phía Nam và ít ở các huyện phía Tây Hà Tĩnh. Nhưng nếu xét theo từng năm, thì năm 2013 và năm 2014 dịch tập trung ở các huyện phía Bắc Hà Tĩnh, năm 2015 và năm 2016 dịch có chiều hướng tăng ở các huyện phía Nam.

(5). Phân bố dịch LMLM trâu bò theo thời gian: dịch xảy ra tập trung vào các tháng 2, 3, 4 và tháng 10, 11, 12 hàng năm. Đây là những thời điểm chuẩn bị tiêm phòng 2 vụ chính vụ Xuân và vụ Thu (vụ xuân tháng 3,4; vụ thu tháng 9,10), cũng chính là lúc sự bảo hộ của vắc xin đã giảm đến mức thấp nhất, là thời điểm gia súc dễ cảm nhiễm với bệnh LMLM.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Thu Thủy và cs. (2013). Đặc điểm dịch tễ không gian và thời gian của dịch bệnh LMLM tại Việt Nam, giai đoạn 2006 – 2012,  Tạp chí Khoa học kỹ thuật thú y, tập XX (số 6). tr 5-14.

[2]. Trần Hữu Cổn (1996), Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh LMLM trâu, bò ở Việt Nam và xác định biện pháp phòng chống thích hợp, luận án phó tiến sỹ nông nghiệp, Viện thú y.

[3]. Cơ quan Thú y vùng III (2012, 2013, 2014, 2015), Báo cáo tổng kết năm.

 Copyright © 2024 Khoa Nông nghiệp - Môi trường  Rights Reserved.